Khách Nhật chuộng gu Chocolate Việt
Chocolate Việt Nam vang danh ở thị trường tiêu thụ chocolate hàng đầu thế giới.
Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu sản xuất theo tiêu chuẩn của đối tác Nhật, lô hàng 1.000 sản phẩm bột cacao hữu cơ mang thương hiệu Bapula của Việt Nam đã được xuất sang Nhật, bán tại 2 tỉnh Okinawa và Hamamatsu.
Câu hỏi khởi nghiệp
Để đưa được lô cacao này vào thị trường Nhật là cả một quá trình nỗ lực của Công ty Thực phẩm Amazon. Ông Hồ Sĩ Bảo, Giám đốc Công ty, cho biết đã mất 3 năm để cùng nông dân xây dựng vùng trồng cacao đạt chứng nhận hữu cơ USDA (Mỹ) và JAS (Nhật).
Trước đó, dù đối tác Cpoint Corporation (Nhật) đã đồng ý với chất lượng sản phẩm nhưng để yên tâm về chất lượng trong lâu dài, tập đoàn này đã yêu cầu Thực phẩm Amazon ký kết về trồng cacao hữu cơ theo công nghệ cao của Nhật, với diện tích khoảng 40ha tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau hơn 3 năm phát triển, chocolate thương hiệu Bapula của Thực phẩm Amazon mới được chứng nhận xuất khẩu từ phía Nhật
Đây cũng là lô cacao đầu tiên của Việt Nam xuất chính ngạch vào thị trường Nhật. Theo ông Bảo, trải qua 6 tháng để hoàn thiện thủ tục, giấy tờ, chứng nhận, bao bì thì lô hàng mới vượt qua các đợt kiểm tra. Ông Hiroki Nozawa, Giám đốc Tập đoàn Cpoint Corporation (Nhật), cho biết các đối tác tại Nhật đánh giá cao về chất lượng sản phẩm của Bapula thông qua những tiêu chí khắt khe của khách hàng Nhật đề ra.
Ông Hồ Sĩ Bảo bước sang ngã rẽ khởi nghiệp với vị đắng của chocolate sau 10 năm làm giám đốc một công ty vận chuyển tại TP.HCM. Ông đặt quyết tâm này sau chuyến công tác ở Bà Rịa - Vũng Tàu và có dịp tiếp xúc với những nông dân trồng cacao. Ông thắc mắc vì thấy chất lượng cacao tốt nhưng chỉ bán được trái thô, dễ bị thương lái ép giá nên nhiều nông dân chán nản, chặt bỏ trồng cây khác.
Có trong tay 3 tỉ đồng từ tiền bán nhà và vay mượn người thân, năm 2016, ông Bảo về Bà Rịa - Vũng Tàu mua đất làm nhà, xây nhà xưởng chế biến cacao. Ông nhớ lại thời gian mới đưa vợ và 2 con về đây, “nhiều lần nhìn vợ con bị rết, bò cạp, côn trùng cắn mà xót không nói nên lời”.
Xây nhà xưởng thì dễ nhưng làm sao để có nguồn nguyên liệu ổn định mới là vấn đề khó. Ông mất 4 tháng mới nhận được cái gật đầu của hơn 30 hộ nông dân tại huyện Tân Thành và Châu Đức thành lập Hợp tác xã cacao hữu cơ Châu Đức, trồng cacao theo tiêu chuẩn trên diện tích 55ha. Nhưng khó khăn là làm sao để nghiên cứu và sản xuất ra sản phẩm như mong muốn.
Cái bắt tay với người Nhật
Nguyên liệu đầu vào coi như tạm ổn định, ông Bảo đầu tư 8 thùng gỗ để ủ lên men hạt cacao. Mỗi mẻ ủ mất 6 ngày, 24 tiếng phải đảo một lần. Sau 6 ngày lên men, hạt cacao đem ra phơi nắng 10 ngày, mỗi ngày phải đảo sàn phơi 4-5 lần để hạt khô tự nhiên, giữ được hương vị. Nhưng lần thử nghiệm này thất bại khiến ông Bảo mất đứt 100 triệu đồng.
Rút kinh nghiệm trong những lần thử sau, ông thận trọng hơn để tiết kiệm chi phí, nhưng để có được kết quả như ý, vẫn phải thử nghiệm cả trăm lần và số tiền còn lại chỉ vỏn vẹn... 30 triệu đồng. Đến khâu đầu tư máy móc công nghệ, ông phải nhờ đền sự hỗ trợ của người bạn là giảng viên đại học và bắt tay vào sản xuất cacao từ tháng 4.2017.
Dù cố gắng nhưng tất cả đã phá sản ngay trong lần đầu khởi nghiệp. Sản phẩm mới chưa có thương hiệu, xác định không đúng phân khúc khách hàng, nên sản phẩm không có đầu ra, tồn kho cao, chi phí sản xuất lớn, trong khi nhà phân phối lại không chịu trả nợ.
Ông Bảo lâm vào cảnh nợ nần. Có những thời điểm, nhà kho tồn đến 500kg bột, trị giá gần 240 triệu đồng. Công ty phải trả lương 5 nhân viên và mỗi tháng vẫn phải tiếp nhận 4 tấn trái cacao từ 30 xã viên theo cam kết ban đầu. Nhưng vốn có máu lì, ông tiếp tục chuyển hướng sang sản xuất chocolate. Để có tiền làm tiếp, ông Bảo bán nguyên liệu cacao lấy 250 triệu đồng mua máy sản xuất cacao.
Tuy nhiên, thất bại vẫn chưa buông tha và gần như ông đã cùng đường. Trong lúc còn hoang mang tìm lối ra, ông Bảo đã may mắn gặp được đối tác Nhật là Tập đoàn Meiji. Sau khi thăm trang trại, Meiji quyết định hỗ trợ ông Bảo kỹ thuật làm chocolate thủ công. Sản phẩm được gửi qua Nhật cho đối tác kiểm tra, đánh giá hương vị, chất lượng rồi tinh chỉnh nhiều lần để cuối cùng được Meiji công nhận đạt tiêu chuẩn vào tháng 8.2018.
Để có thương hiệu, ông Bảo mang chocolate Bapula dự thi và tháng 9.2018, sản phẩm giành giải Bạc ở International Chocolate Award khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Đài Loan và đi tiếp vào vòng quốc tế với giải Đồng chung cuộc. Ông cũng trở thành người Việt Nam duy nhất đến nay có giải thưởng này.
Sau giải thưởng, chocolate Bapula bắt đầu bán lẻ khá chạy. Ông cho biết chuẩn bị ký kết với một nhà phân phối ở Hà Nội trong tháng sau và chuẩn bị làm việc với một hệ thống siêu thị. “Kế hoạch của tôi là đẩy mạnh xuất khẩu qua Nhật, Singapore và Hàn Quốc. Từ tháng 12.2019, 1.000 thanh chocolate nguyên chất được xuất đi Nhật. Tại thị trường trong nước, hàng đã đưa vào các hệ thống như VinMart, Satra, Annam Gourmet. Ngoài ra, tôi sẽ mở các cửa hàng ở TP.HCM, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng và Hà Nội”, ông Bảo háo hức lên kế hoạch.