Phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”. Cây tỏi là nông sản chủ lực, là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân trên đảo. Để từng bước nâng cao vị thế, nâng tầm tỏi Lý Sơn trở thành thương hiệu quốc gia, thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững, huyện Lý Sơn đang khẩn trương hoàn thành xây dựng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn…
Đặc sản của đảo
Là người con đất đảo, có hàng chục năm gắn bó, nghiên cứu về cây tỏi Lý Sơn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, trên mảnh đất nhỏ chỉ 10 km2 của huyện đảo lâu nay là “lãnh địa” của giống tỏi trắng Lý Sơn nức tiếng. Với đặc điểm vỏ mầu trắng, tép tỏi nhỏ đều, chắc, tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng cả nước biết đến bởi hương vị đặc trưng độc đáo: thơm dịu, cay dịu và có hàm lượng tinh dầu cao. Ngoài tỏi thường, tỏi cô đơn Lý Sơn (chỉ có một tép duy nhất cỡ đầu ngón tay, hình tròn) còn là một sản phẩm có giá trị kinh tế cao được hình thành do khuyết tật trong quá trình sinh trưởng của cây tỏi nên chất lượng thơm ngon hơn.
Hương vị đặc trưng, đặc thù của tỏi Lý Sơn có được chính là sự kết tinh từ điều kiện tự nhiên, khí hậu và kỹ thuật canh tác truyền thống đặc biệt của người nông dân đất đảo. Giá thể trồng tỏi ở Lý Sơn là nguồn vật liệu đất núi lửa tại chỗ và hỗn hợp cát vụn san hô ven đảo. Cách thức phối trộn hỗn hợp giá thể cùng với trình tự rải lớp giá thể là những bí quyết kỹ thuật canh tác được đúc kết qua nhiều thế hệ của người nông dân đất đảo. Chính kỹ thuật truyền thống và các giá thể bản địa mà thiên nhiên ban tặng cộng với khí hậu đặc trưng đã tạo nên danh tiếng tỏi Lý Sơn. Nói cách khác, sản phẩm tỏi Lý Sơn được người nông dân bao đời gây dựng đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng một cách rất tự nhiên. Năm 2017, đặc sản tỏi Lý Sơn đã lọt vào danh sách “Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam” của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Đồng chí Phạm Thị Hương chia sẻ: “Là sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, tỏi Lý Sơn đã có những đóng góp nhất định cho việc định vị địa danh Lý Sơn trên bản đồ du lịch Việt Nam”.
Đến với Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc trên Biển Đông, quê hương của Đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa giong thuyền xác lập chủ quyền biển đảo, du khách thập phương không chỉ hòa mình vào vùng di sản văn hóa biển độc đáo và đa dạng mà còn tận mắt ngắm nhìn những cánh đồng tỏi xanh mướt, cùng chuyện trò với người dân để hiểu thêm về những củ tỏi trắng, thơm ngon được làm nên từ nắng, từ cát, từ đất bazan Lý Sơn, từ những giọt mồ hôi của người dân biển cần cù chịu thương, chịu khó.
Tỏi Lý Sơn được nông dân đất đảo xuống giống từ tháng 9 đến tháng 10 năm trước, thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 3 năm sau. Vào mùa thu hoạch, từ sáng sớm đến chiều tối, những cánh đồng tỏi luôn rộn rịp tiếng nói cười, tiếng gọi nhau í ới của nông dân. Vào thời điểm này, tại đảo Lý Sơn, tỏi có mặt khắp mọi nơi, trên những con đường làng đến hiên nhà và cả trên mái nhà. Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành cho biết, kể từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu quốc gia vào năm 2009, tỏi Lý Sơn bắt đầu được tiêu thụ mạnh trên thị trường, giá mỗi năm một tăng, người trồng tỏi phấn khởi vì có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ cây trồng truyền thống, vị thế cây tỏi được nâng lên, trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của người dân huyện đảo, là nguồn “vàng trắng” góp phần quan trọng đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo, vươn lên làm giàu cho hàng nghìn hộ dân.
Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, tỏi ở Lý Sơn chỉ trồng vào vụ đông xuân với diện tích dao động từ 300 đến 350 ha/năm. Nhiều năm qua, trên nền phương thức canh tác truyền thống được đúc kết, hình thành tri thức nông nghiệp bản địa đặc thù, nông dân Lý Sơn còn mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đưa năng suất và sản lượng tăng đáng kể, bình quân hằng năm từ 1.500 đến 2.000 tấn. Riêng vụ tỏi đông xuân 2019 – 2020, nông dân trong huyện Lý Sơn trồng 325 ha , năng suất khoảng 93 tạ/ha, tổng sản lượng 3.015 tấn với giá trị sản xuất hơn 210 tỷ đồng. Lão nông Phạm Sơn cho biết, vụ tỏi vừa qua nhờ thời tiết thuận lợi nên ba sào tỏi của gia đình ông phát triển tốt, đến kỳ thu hoạch cho năng suất khá cao. Cầm những bó tỏi trên tay, ông Phạm Sơn hồ hởi: Sau bốn tháng nhọc nhằn gieo trồng, chăm sóc, gia đình tôi thu được 1,8 tấn tỏi, với giá bán 80.000 đến 90.000 đồng/kg tỏi khô, thu về hơn 75 triệu đồng.
Thời gian gần đây, chính quyền huyện đảo Lý Sơn khuyến khích nông dân tham gia xây dựng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm đã đem lại sản lượng cao, tiết kiệm công lao động.
Nâng tầm thương hiệu
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt trăn trở: Trong những năm qua, sản phẩm tỏi Lý Sơn chưa được quảng bá tốt. Đặc biệt, hoạt động quản lý sản xuất và bảo hộ thương mại bằng nhãn hiệu tập thể cũng như việc xử lý nạn “chở tỏi ra đảo tỏi” chưa giải quyết triệt để tình trạng sản phẩm tỏi ở vùng khác mạo danh tỏi Lý Sơn trên thị trường, thậm chí ngay trên đảo Lý Sơn, đã gây thiệt hại trực tiếp đến người trồng tỏi, ảnh hưởng đến thương hiệu, danh tiếng tỏi Lý Sơn. Do vậy, nhu cầu sản xuất và yêu cầu quản lý, phát triển, quảng bá sản phẩm tỏi Lý Sơn hiện nay đòi hỏi phải được bảo hộ sản phẩm bằng chỉ dẫn địa lý với nội dung xác lập rõ sự khác biệt về đặc thù hình thái, chất lượng của sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các vùng địa lý khác, khoanh vùng được khu vực sản xuất cho sản phẩm mang đặc thù được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là căn cứ bảo vệ quyền lợi, giải quyết tranh chấp thương mại, xử lý các tình huống mạo danh tỏi Lý Sơn đang diễn ra.
Để giải quyết căn cơ vấn đề bảo vệ và nâng tầm thương hiệu tỏi Lý Sơn, chính quyền địa phương phối hợp Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng các đơn vị chức năng liên quan đang khẩn trương triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận vào cuối năm nay.
Theo Viện Công nghệ môi trường, việc nghiên cứu, đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý sản phẩm củ tỏi trồng tại đảo Lý Sơn sẽ mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, giá trị kinh tế của tỏi Lý Sơn sẽ được gia tăng nhanh chóng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trồng tỏi và các cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm tỏi Lý Sơn, đồng thời tạo lòng tin đối với người tiêu dùng, các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ trong nước cũng như các nhà nhập khẩu, từ đó ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.