Nông dân làm mứt, rượu vang thanh long để xuất khẩu

Ngoài việc xuất khẩu trái tươi, nông dân Bình Thuận còn chế biến thanh long thành các sản phẩm khác như mứt, rượu vang để nâng cao giá trị sản phẩm.

Những ngày này, người dân ở những vùng trồng thanh long ở tỉnh Bình Thuận bước vào mùa thu hoạch chính vụ. Trái chín đều được thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 8.000-10.000 đồng/kg.

Tại xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc) nhiều vườn cây đang được gấp rút thu hoạch để đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu qua Trung Quốc. Nông dân Nguyễn Đức Thành chia sẻ, năm nay thanh long bước vào vụ chính nhưng trái được tiêu thụ tốt, không xảy ra tình trạng dội vườn. Giá tuy không cao như những tháng trước nhưng có phần nhỉnh hơn so với chính vụ năm 2018.

trái thanh long

Theo bà Lê Phương Chi (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam), bà bán cho thương lái thanh long loại 1 (trái to, đẹp). Còn lại, trái nhỏ hơn bà đưa về nhà rửa sạch, khử trùng và chế biến thành sản phẩm khác để bán ra thị trường.

Tại nhà, bà Chi dành một phòng chừng 20m2 để đặt máy sơ chế, máy sấy công nghiệp hiện đại để làm thanh long khô. Sau khi cắt trái thành những lát mỏng, bà cho lên khay và đưa vào máy để thực hiện quy trình chế biến.

 “Thanh long sấy của tôi không cần thêm đường nhưng rất ngọt. Thay vì sử dụng chất bảo quản, tôi cho sản phẩm vào túi rồi rút chân không, đóng gói cẩn thận”, bà Chi chia sẻ. Cũng theo bà Chi, sản phẩm thanh long sấy đã được bà đăng ký thương hiệu, đăng ký mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xuất ra thị trường trong nước và gửi đi chào hàng ở Nhật Bản, Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Hiền ở xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) cũng nghiên cứu, chế biến rượu thanh long. Những năm qua, gia đình ông trồng và bán thanh long cho các thương lái. Tuy là sản phẩm VietGAP nhưng trái cây của gia đình ông cũng chỉ có giá ngang bằng với những hộ trồng theo hướng truyền thống.

Ông cho biết, năm nay, tuy thanh long có giá nhỉnh hơn mọi năm nhưng vẫn rơi vào cảnh “được mùa - mất giá”. Do vậy, để thoát cảnh này, ông đã tìm hiểu và bắt đầu thử chế biến rượu vang. Cũng theo nông dân này, nếu làm tốt, rượu vang sẽ trở thành sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị cho thanh long Bình Thuận.   

 Một cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thanh long Bình Thuận cho biết, hiện nay, ngoài việc bán trái tươi, nhiều hộ dân, hợp tác xã tập trung vào chế biến thanh long thành mứt, nước ép, rượu vang... Đây là xu hướng mới góp phần nâng cao giá trị nông sản, đồng thời, những sản phẩm này góp phần giảm áp lực tiêu thụ trái tươi mỗi khi cây trồng vào thu hoạch chính vụ.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 29,5 nghìn ha thanh long với sản lượng bình quân từ 600.000-700.000 tấn mỗi năm. Năng suất cây trồng cao, sản lượng cao nhưng nguồn tiêu thụ chủ yếu vẫn là xuất khẩu trái tươi.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, ngành nông nghiệp đã có quy hoạch phát triển bền vững cây thanh long. Cùng với việc tập trung sản xuất chất lượng cao, liên kết doanh nghiệp thì phát triển chế biến cũng được đề cao.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận cũng khuyến khích người dân sử dụng giống tốt, sản xuất các loại khác nhau như thanh long ruột trắng, ruột đỏ, ruột tím hồng để góp phần đa dạng hóa sản phẩm thanh long.

Cùng với việc khuyến khích người dân đa dạng sản phẩm, tỉnh Bình Thuận cũng có kế hoạch kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã hợp tác với tập đoàn Nafoods Group trong việc phát triển 10 nghìn ha vùng thanh long nguyên liệu để đáp ứng chế biến, xuất khẩu.


Ông Nguyễn Đức Trí, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển thanh long Bình Thuận cho biết tỉnh đang đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ thanh long. Cùng với việc duy trì thị trường Trung Quốc, ngành thanh long cũng đang hướng đến các thị trường khó tính như Úc, Nhật Bản, Newzeland… Do vậy, ngoài đẩy mạnh phát triển nông sản sạch, xuất khẩu trái tươi, tỉnh hướng đến đa dạng hóa sản phẩm thanh long để nâng giá trị.

Bình luận của bạn