Bánh chưng Tranh Khúc

Từ lâu, bánh chưng Tranh Khúc đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Hiện nay, người dân làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội còn làm thêm bánh chưng gấc, bánh chưng chay, bánh chưng nhân trứng, thịt gà, lạp xường… để xây dựng thương hiệu cho loại đặc sản này.

Từ lâu, bánh chưng Tranh Khúc đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Hiện nay, người dân làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội còn làm thêm bánh chưng gấc, bánh chưng chay, bánh chưng nhân trứng, thịt gà, lạp xường… để xây dựng thương hiệu cho loại đặc sản này.

Trước đây, gần như cả xã Duyên Hà nằm ở ngoài đê sông Hồng úng ngập triền miên. Đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước, một phần thôn Tranh Khúc phải tách ra, lập làng mới là Tranh Khúc ''ngọn'' còn làng cũ là Tranh Khúc ''gốc''.

Người Tranh Khúc rời làng cũ nhưng vẫn duy trì nghề làm bánh chưng để mưu sinh. Anh Nguyễn Văn Dũng, một người làm bánh chưng làng Tranh Khúc vẫn còn nhớ như in những trận lụt nước ngập cao đến ngực, nông dân ở Tranh Khúc mỗi năm nghỉ mất vài tháng. Ruộng ít, nghề làm bánh chưng mang lại thu nhập chính cho người dân.

Anh Dũng cho biết, bánh bán chạy nhất vào tầm tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, còn mùa hè thì người dân làm túc tắc phục vụ đám cưới, đám giỗ. Vào cuối năm, nhất là những ngày cúng ông Công, ông Táo, đến Thanh Khúc, bánh chưng xếp đầy hai bên đường, ôtô lũ lượt đến lấy bánh chưng đem về thành phố.

Hiện tại, thôn Tranh Khúc có 215 hộ chuyên sản xuất bánh chưng, bánh dày, bánh gai, sản lượng ngày càng tăng. Năm 2006, sản lượng bánh chưng của làng nghề Tranh Khúc đạt 5, 4 vạn chiếc, doanh thu 54 tỷ đồng; bánh dày 40 vạn chiếc, doanh thu 40 tỷ đồng, bánh gai 16 vạn chiếc, doanh thu 32 tỷ đồng. Nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc mang tính gia truyền, người thôn khác rất khó "học lỏm". Những người gói bánh chuyên nghiệp ở Tranh Khúc không cần dùng khuôn mà mỗi tiếng gói được 80 chiếc, vuông chằn chặn.

Theo những người dân nơi đây, làm bánh chưng chú ý nhất khâu chọn nguyên liệu, muốn bánh ngon phải chọn nguyên liệu gạo nếp cái hoa vàng của Hải Hậu, Hải Dương, đậu phải chọn loại “rộng” hạt, lá phải là lá dong nếp rừng và phải dùng nước sạch.

Khi gói, người gói phải chặt tay, đúng quy cách, đúng trọng lượng, luộc phải đủ giờ. Làm bánh chưng tưởng như đơn giản nhưng thực ra đòi hỏi cao về kỹ thuật, chỉ cần một kỹ thuật không đúng như lá không sạch, than nấu kém chất lượng, pha nước không đúng giờ cũng ảnh hưởng ngay đến sản phẩm.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Duyên Hà, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ Văn Khúc cho biết, huyện Thanh Trì đã đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng thương hiệu cho làng nghề, với việc ra logo, mã số, mã vạch, bao bì đóng gói, máy dập chân không…
Bên cạnh đó, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Văn Khúc cũng đang giám sát quá trình sản xuất của các hộ gia đình cũng như cung cấp đủ nước sạch, xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm…Hiện đã có trên 100 hộ dân tại đây đăng ký thương hiệu làng nghề.

Không chỉ vậy, các hộ sản xuất bánh chưng muốn tham gia thương hiệu làng nghề phải tham gia các lớp tập huấn và cam kết sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở nào vi phạm sẽ bị đình chỉ sản xuất. Đến nay, những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm ngon không chỉ được người dân Hà Nội ưa chuộng, mà còn được người dân nhiều nơi biết tiếng, góp phần làm phong phú thêm danh sách món ngon đất Hà thành./.

 

Bình luận của bạn