Cơm bồi người Nguồn

Người Minh Hóa ở Quảng Bình có món cơm bồi dẻo, thơm đặc trưng mà không nơi nào có được. Ai lên Minh Hóa mà chưa thưởng thức cơm bồi thì coi như chưa đến miền đất sơn cước này.

Người Minh Hóa ở Quảng Bình có món cơm bồi dẻo, thơm đặc trưng mà không nơi nào có được. Ai lên Minh Hóa mà chưa thưởng thức cơm bồi thì coi như chưa đến miền đất sơn cước này.

Công phu chế biến

Để có được một nồi cơm bồi dẻo, thơm ngon ăn phải trải qua những công đoạn vất vả, đòi hỏi sự chịu khó, khéo léo. Theo cách chế biến truyền thống của người dân nơi đây, ngô sau khi được phơi khô đem ngâm vào nước sôi đã đưa xuống khỏi bếp lửa có vung đậy kín. Sau đó khoảng 3 tiếng đồng hồ thì vớt ra cho ráo để giã lấy bột. Công đoạn giã là vất vả nhất, ít nhất phải hai người khỏe, dẻo dai sức lao động thì mới giã đủ 1 nồi cho gia đình khoảng 5 người ăn. Ngô được giã mịn và dùng giần (một loại dụng cụ-PV) sàng sẩy lấy bột mịn qua nhiều lần. Cùng với đó, sắn được đào về rửa sạch bóc vỏ, rồi nạo ra thành sợi nhỏ và đem ép bớt nước đi. Khi sắn đã ép xong nước, bột ngô đã mịn màng, đem trộn hai thứ với nhau và giã thật mịn, thật nhuyễn rồi dùng sàng sàng qua nhiều lần để có được nguyên liệu bồi đều mịn nhất. Độ dẻo của bồi tùy sở thích từng gia đình để chế biến lượng bột ngô và sắn, cũng như độ thấm nước của sắn.

Khi bột ngô và sắn đã được giã mịn thì đem bỏ vào nghè hôông (chõ đồ) hôông lên đến chín. Nước nghè đáy để hông bồi cũng tùy thuộc vào độ nhiều hay ít của bồi để bỏ nhiều hay ít và nhất là cân đo để khỏi cạn nước, sau khi bồi chín thì sẵn nước đáy ngâm ngô để giã làm ăn bữa kế tiếp. Phải canh chừng lấy rá đổ ra ngay mà không để lâu, hơi nước ngưng tụ sẽ bị nhão mất ngon. Sau đó dùng dao cắt nhỏ từng lát để ăn.

Đó là với ngô đã phơi khô, còn ngô tươi thì cơ bản cũng chế biến với những công đoạn như thế. Bà Cao Thị Minh, ở xã Hồng Hóa tâm sự: “Từ ngâm ngô đến vớt ngô, giã bột, đào sắn phải đúng giờ giấc và theo một vòng tròn khép kín liên tục nhịp nhàng”.

Trước đây, bồi là món ăn chính của người dân Minh Hóa. Bồi thường được ăn kèm với rau khoai nấu, cá khe, cà lào (quả nụ trầm), ốc đá, canh bún nấu trứng kiến là ngon nhất. Kinh tế ngày một phát triển, thu nhập của người dân cũng dần được nâng cao. Để món bồi ngon hơn, lạ hơn, những nhà có điều kiện khi làm bồi lại độn thêm gạo nếp, đỗ xanh hoặc lạc, bồi sẽ dẻo hơn, ngon hơn.

Nên duyên từ bồi

Ở huyện miền núi Minh Hóa chủ yếu là người Nguồn sinh sống cùng với một số dân tộc ít người khác như Rục, Sách, Mày, Khùa. Người Minh Hóa có câu: Trời mưa nước chảy quanh hồi/Anh không lấy vợ ai đâm bồi anh ăn. Đó là câu hò thuốc của người nguồn Minh Hóa nói lên tầm quan trọng của món bồi trong cuộc sống hằng ngày.

Đối với người dân Minh Hóa, bồi là món ăn thường xuyên nên bao giờ cũng chú ý đến người trực tiếp chế biến: người phụ nữ. Vì thế chuyện dựng vợ gả chồng nơi đây nếu là gia đình nông dân thì con trai phải dậy sớm, cày giỏi; con gái ngoài sắc đẹp, nết na thì phải biết may vá và đặc biệt là thức khuya dậy sớm đâm bồi giỏi. Những năm 90 của thập kỷ trước, khi gà gáy canh ba, ở khắp thôn xóm, bản làng của Minh Hóa lại nổi lên “bản nhạc chày cối” giã bồi quen thuộc. Những nhịp chày đôi, chày ba hay thình thịch một mình lo cho từng bữa ăn thật vất vả nhưng kiên nhẫn lạ thường. Chỉ nghe tiếng chày là anh đã yêu em, đó gần như là câu tỏ tình quen thuộc của những chàng trai nơi hoang dã.

Bình luận của bạn