Mắm chua Vĩnh Hưng - Bạc Liêu
Mắm chua có mùi rất thơm, khi ăn còn thấy nguyên vẹn hình con cá xương đã mềm nên hoàn toàn không lo bị hóc. Là món ăn dân dã, được ăn kèm cùng vài trái bần, ổi, hay khế, chuối chát, me xanh, mấy lát dưa leo… Nếu ai thích ăn cay thì cho thêm vài trái ớt vào nữa là đủ bộ.
Ở vùng tháp cổ Vĩnh Hưng (ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) có một đặc sản mà những người sành mắm sẽ không bỏ qua, đó là mắm chua, được đông đảo du khách gần xa khen ngợi. Mắm chua được làm từ cá sặt, cá rô, cá lóc nhỏ chừng hai đến ba ngón tay, cùng các gia vị như muối, đường, thính, rượu, riềng, tỏi, ớt.
Có nhiều nguyên liệu được chế biến từ mắm, và mỗi nơi cũng thường có những cách làm mắm, cách chế biến khác nhau, ví dụ nước mắm Cà Mau khác với mắm Châu Đốc hay nước mắm của người Kinh khác với nước mắm bồ-hóc của người Khmer.
Mắm chua có mùi rất thơm, khi ăn còn thấy nguyên vẹn hình con cá xương đã mềm nên hoàn toàn không lo bị hóc. Là món ăn dân dã, được ăn kèm cùng vài trái bần, ổi, hay khế, chuối chát, me xanh, mấy lát dưa leo… Nếu ai thích ăn cay thì cho thêm vài trái ớt vào nữa là đủ bộ.
Khi thưởng thức, cảm giác được cắn nguyên con cá, gắp thêm rau, vài lát ớt rồi và thêm chút cơm, bạn sẽ tận hưởng được trọn vẹn vị mặn của muối, vị chua của mắm từ thịt tới xương cùng vị chát, chua thanh của các loại quả. Dù bạn chưa ăn quen thì cũng chỉ đôi ba lần nếm xong là đã lại nhớ nhung đến hương vị nồng nàn, đặc trưng. Tuy nhiên, mắm chua lại không để được lâu như các mắm mặn khác, thay vào đó, loại mắm chỉ ăn được trong vòng 10 – 15 ngày, hoặc lâu hơn một chút nếu giữ trong tủ lạnh.
Ở vùng đất Vĩnh Hưng này, nghề làm mắm chua vốn đã có truyền thống lâu đời, nhưng chủ yếu chỉ là để ăn trong gia đình nên ít được biết đến. Mắm chua Vĩnh Hưng không chỉ dễ ăn, ngon mà đơn giản có thể là món quà biếu cho người thân, cho bạn bè đầy ý nghĩa.
Nếu có dịp ghé đến Bạc Liêu, bạn có thể mua mắm chua Vĩnh Hưng ở trên đường Võ Thị Sáu, gần đoạn công ty máy tính Lý Hưng với giá cả trên dưới 70.000đ một lít.