Giải pháp phát triển thương hiệu cá thu một nắng Đồ Sơn
Cá thu một nắng được coi là đặc sản, đã thành thương hiệu của biển Đồ Sơn và được thị trường ưa chuộng. Tuy vậy, hiện chỗ đứng trên thị trường của sản phẩm này chưa thực sự ổn định, còn bị xen lẫn với những sản phẩm kém chất lượng khác... Trước thực trạng trên, cần phải quy hoạch, thành lập ra các tổ, đội sản xuất, chế biến, hình thành chuỗi liên kết sản xuất; tích cực quảng bá sản phẩm thông qua các lễ hội, mùa du lịch…, dần hình thành các cơ sở sản xuất cá thu tập trung, đưa sản phẩm cá thu một nắng Đồ Sơn tham gia chương trình OCOP.
Cá thu một nắng Đồ Sơn nổi tiếng bởi có vị thơm đặc trưng, ngọt mềm, không quá mặn. Nguồn nguyên liệu để tạo nên sản phẩm cá thu một nắng chủ yếu là thu phấn và thu rồng. Muối dùng ướp cá ngon nhất là muối Bàng La để 1-2 năm. Cá thu một nắng thành phẩm sau khi chế biến xong sẽ được đóng túi ni-lông hút chân không rồi bảo quản ngay trong tủ cấp đông.
Cá thu một nắng- đặc sản của quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng
Năm 2014, nghề chế biến cá thu một nắng Đồ Sơn được UBND thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Năm 2016, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đặc thù đối với sản phẩm cá thu một nắng Đồ Sơn. Đây là dấu mốc quan trọng để sản phẩm này tìm được chỗ đứng trên thị trường và để lại ấn tượng tốt cho du khách khi tới Đồ Sơn. Nhãn hiệu tập thể này do Hội Nông dân quận Đồ Sơn làm chủ sở hữu, dùng để nhận diện và phân biệt sản phẩm trên thị trường.
Những khó khăn trong việc phát triển thương hiệu cá thu một nắng Đồ Sơn và một số giải pháp khắc phục
Dù sản phẩm cá thu Đồ Sơn đã được nhiều người biết đến, song chỗ đứng trên thị trường của sản phẩm này chưa thực sự ổn định, còn bị xen lẫn với những sản phẩm kém chất lượng khác. Đặc biệt, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cũng đang là một bài toán khó đối với các hộ làm nghề tại địa phương. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, vốn ít. Hiện quận Đồ Sơn có khoảng 60 hộ gia đình sản xuất và kinh doanh cá thu một nắng. Các cơ sở chế biến theo quy mô hộ gia đình, có diện tích mặt bằng từ 20 đến 200 m2, ước tính tổng sản lượng khoảng 500 tấn/năm. Với quy mô nhỏ, vốn ít sẽ rất khó trong việc thu mua nguyên liệu chuẩn để phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường vào những dịp lễ, tết và mùa du lịch. Ngoài ra, những vấn đề như hoạt động sản xuất cá thu một nắng vẫn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công; chọn cá nguyên liệu chỉ dựa trên kinh nghiệm, qua cách nhìn nhận cảm tính; chưa có cơ sở để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm... đang là một trong những hạn chế trong việc đẩy mạnh phát triển thương hiệu cá thu một nắng Đồ Sơn.
Để phát triển nhãn hiệu cá thu một nắng Đồ Sơn, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đoàn thể. Theo đó, cần phải quy hoạch, thành lập ra các tổ, đội sản xuất, chế biến, hình thành lên chuỗi liên kết sản xuất; tích cực quảng bá sản phẩm thông qua các lễ hội, mùa du lịch, dần hình thành các cơ sở sản xuất cá thu tập trung, đưa sản phẩm cá thu một nắng Đồ Sơn tham gia chương trình OCOP.
Trước bài toán về nguồn nguyên liệu và bảo hộ thương hiệu, Hội Nông dân quận Đồ Sơn đã dùng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho các chủ tàu cá vay. Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã hỗ trợ 4 hộ làm nghề hơn 1.000 túi đựng sản phẩm cùng máy in, dập tem mác… qua đó, giúp người tiêu dùng tránh mua nhầm các sản phẩm cùng loại không đạt chất lượng.
Thời gian qua, Hội Nông dân quận Đồ Sơn cũng đã phối hợp với các ban, ngành quận Đồ Sơn, Hội Nông dân thành phố, các doanh nghiệp… đưa sản phẩm cá thu một nắng Đồ Sơn chào hàng, giới thiệu tại các hội chợ thương mại toàn quốc…