Cốm Tú Lệ - hạt ngọc nơi lưng trời
Cốm Tú Lệ được chắt lọc từ những tinh túy của đất, trời cùng với sự mộc mạc thô sơ của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Vì vậy cốm ở nơi đây là đặc sản có một không hai của núi rừng Tây Bắc.
“Tú Lệ gạo trắng nước trong/Ai lên đến đó thì không muốn về” - Câu ca như mời gọi du khách tìm về Tú Lệ. Đến với xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái những ngày đầu mùa thu khi tiết trời se se lạnh những thửa ruộng bậc thang lưng chừng trời bắt đầu chín, đây cũng là thời điểm bắt đầu một vụ làm cốm.
Tú Lệ nằm giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Chuyện kể rằng, ngày xưa, đã lâu lắm rồi, tổ tiên của người Thái được tiên ông ban cho một giống thóc quý. Tiên ông dạy rằng, hãy tìm một nơi thích hợp để gieo trồng sẽ được loại nếp thơm ngon. Người Thái đã mang giống lúa ấy đi gieo ở khắp vùng Tây Bắc nhưng không nơi nào có được kết quả như lời tiên ông dặn, nơi thóc không nảy mầm, nơi thì lúa còi cọc bông lép… Khi đoàn người đi tới chân đèo Khau Phạ (Sừng trời), dừng chân bên con suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát, ngọt lịm, ngẩng mặt lên là thung lũng tươi tốt. Già làng của tộc người Thái đã quyết định ở lại vỡ ruộng trồng lúa, quả nhiên thóc tiên gieo xuống đã nhanh nảy mầm và tươi tốt lạ thường, khi trổ bông tỏa ra một hương thơm tinh khiết. Khi lúa chín, đem xay được những hạt gạo to tròn, trắng trong, có hương thơm quyến rũ vô cùng. Con trai trong bản ăn giống nếp ấy trở thành những thanh niên khỏe mạnh dẻo dai, làm ruộng, làm nương không biết mệt, khi cất tiếng thổi khèn, tiếng khèn làm say lòng gái bản. Các cô gái Thái ăn giống nếp ấy thì có nước da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen nhánh, miệng cười như hoa, quay sa dệt vải, thêu hoa văn như có hồn làm đám trai bản ngẩn ngơ, thổn thức…
Cảm tạ tấm lòng tiên ông ban cho giống thóc quý, nên năm nào cũng vào khoảng tháng 10, mùa lúa chín, những người Thái ở Tú Lệ lại tổ chức lễ cúng Cơm mới. Lễ vật là những bông lúa to hạt mẩy làm cốm và những đĩa xôi thơm ngon còn bốc hơi nghi ngút.
Từ lâu Tú Lệ đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong. Thứ nếp này khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo thơm đặc biệt, còn khi chế biến thành cốm thì lại có thêm hương vị thật ngọt ngào, thanh mát. Để làm được những hạt cốm xanh mỏng, người dân trong bản phải chọn nguyên liệu đầu vào chính là những bông lúa đang thời kỳ uốn câu vẫn còn sữa cắt về cho vào máy tuốt, phần rơm rạ thì bỏ đi những những hạt lúa tiếp sàng đãi những hạt lép ra, dùng chảo gang to đun nhỏ lửa rang đều cho đến khi chín tới, không giòn mà chóc chấu có mùi thơm sau đó bỏ ra cho nguội để cho vào cối, một người đạp chầy, một người ở đầu cối đảo cốm bằng đũa cả to hai tay đảo đều để cho những hạt cốm không bị nát.
Khi chầy hạ xuống làm những vỏ chấu tách ra khỏi những hạt cốm cốm xanh, mỏng và dẻo hơn. Từng mẻ cốm ra lò những người phụ nữ tiếp tục dùng sàng để lựa chọn những hạt cốm đẹp nhất có màu xanh rồi dùng lá dong gói lại giữ những mùi thơm đảm bảo cho những hạt cốm dẻo.
Bà Hoàng Thị Liên, thôn Nà Lóng cho biết: “Những năm trước đây dân bản vốn chỉ làm cốm để cúng ông bà tổ tiên, giờ đây do nhu cầu của du khách nên nhà nhà làm cốm, người người làm cốm. Có những ngày nhu cầu của khách tăng đột biến trong Tuần Văn hoá Du lịch danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải ngày cao nhất mình bán tới trên 100 kg cốm. Còn những ngày thường gia đình mình bán khoảng 50 - 70 kg”.
Xã Tú Lệ có 10 thôn, thì 100% thôn, bản đều có người dân làm cốm nhưng tập trung nhiều nhất ở thôn Nà Lóng. Ở đây có 157 hộ thì có trên 80 hộ làm cốm. Những ngày này đến với Nà Lóng huơng cốm bay thơn nức một vùng. Từng đoàn xe dừng lại tíu tít lựa chọn mua cho mình và người thân những gói cốm làm quà.
Theo các nhà khoa học, nếp Tú Lệ thơm ngon là bởi khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm, biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau rất lớn nên năng lượng cây lúa tích trữ được rất cao. Cốm Tú Lệ được chắt lọc từ những tinh túy của đất, trời cùng với sự mộc mạc thô sơ của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Vì vậy cốm ở nơi đây là đặc sản có một không hai của núi rừng Tây Bắc.