Bánh Đa Kẻ Sặt
Ở Hải Dương hầu như ở huyện nào cũng có người làm bánh đa nhưng chỉ có bánh đa Kẻ Sặt mới nổi tiếng trở thành đặc sản của Hải Dương tương tự như bánh gai, bánh đậu xanh...
Ở Hải Dương hầu như ở huyện nào cũng có người làm bánh đa nhưng chỉ có bánh đa Kẻ Sặt mới nổi tiếng trở thành đặc sản của Hải Dương tương tự như bánh gai, bánh đậu xanh...
Kẻ Sặt thời phong kiến là một xã thuộc tổng Thị Tranh. Kẻ Sặt là tên nôm của làng Tráng Liệt. Năm 1958, tách một phần xã Tráng Liệt, lập thị trấn Kẻ Sặt.
Bánh đa Kẻ Sặt là loại bánh đa ngọt, cao cấp. Để làm bánh đa Kẻ sắt rất công phu, gồm:
* Thành phần nguyên liệu:
- Gạo: Gạo làm bánh đa ngọt phải là loại gạo ngon. Hiện nay người dân hay làm bằng loại gạo CR203.
- Vừng: Cũng phải chọn loại vừng tốt, loại vừng tấm là tốt nhất. Trước đây nhân dân thường mua trên miền ngược, hạt nhỏ bằng 2/3 hạt vừng thường.
- Đường: đường kính hoặc đường cát.
- Lạc: Chọn loại lạc già, nhân to, mẩy.
- Dừa: Chọn loại dừa già, cùi dày.
* sơ chế nguyên liệu:
1. Gạo ngâm 1-2 tiếng để ráo nước, sau đó đổ vào cối xay, vừa xay vừa đổ nước, để nước bột có nồng độ vừa phải không loãng quá không đặc quá. Sau được vắt lọc bằng vải. Trước khi tráng đun đường chảy hoà với bột, giã nhỏ gừng lấy nước hoà với bột.
Vừng đem ngâm, xát vỏ.
2. Lạc nhân thái thật mỏng sau đó xẩy sạch vỏ.
3. Dừa: Thái mỏng.
* Tráng bánh:
Đổ nước sạch vào nồi khoảng 2/3 dung tích. Khi đun, lửa phải giữ ổn định trong suốt quá trình tráng bánh. Khi nước soi để khuôn lên miệng nồi múc một muôi bột đổ lên khuôn, dùng muôi dàn đều trên mặt khuôn. Đối với bánh đa thông thường chỉ cần tráng một lần là được, nhưng đối với bánh ngọt sau khi tráng lần thứ nhất rắc đều vừng, lạc, dừa lên mặt bánh. Sau đó tiếp tục múc một muôi bột nữa đổ lên trên láng đều kín hết nhân, đậy vung lại khoảng 1-2 phút mở vung ra, lúc này bánh đã chín, dùng ống nứa dài 40-50 cm có đường kính 7-8 cm đặt vào mép bánh đa, để bánh dính vào ống nứa sau đó từ từ năn tròn vào ống nứa, đưa ống nứa đặt vào phên, lăn ống nứa ngược chiều khi cuộn bánh, chiếc bánh đa trải đều trên phên. Trước khi đưa bánh sang phên người ta tiếp tục đổ bột vào khuôn, khi đưa sang phên xong thì bánh trên khuôn chín. làm như vậy tiết kiệm thời gian.
* Phơi và đóng gói:
Khi phên nứa đã đặt đủ bánh mang ra phơi, khi ướt bánh dính vào phên, lúc khô bong ra. Khi bánh khô thu bánh quay vào cót để theo từng chồng. Nếu có khách mua thông thường người ta đóng bánh thành chục, lấy giấy báo bọc ngoài dùng dây buộc.
Bánh đa Kẻ Sặt đầu thế kỷ XX rất nổi tiếng và ăn khách, người ta không chỉ bán tại quê mà còn bán buôn đi nhiều thành phố, thị xã. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, nghề làm bánh đa ngọt sa sút. Sau hoà bình lập lại, 80% dân Kẻ Sặt di cư vào Nam. Đến năm 1991, bên cạnh nghề nông có tới 30% số hộ làm nghề buôn bán và tiểu thủ công nghiệp. Bánh đa ngọt chưa tìm được thị trường nên chỉ có 4 gia đình làm bánh, bằng 2% số hộ hiện có. Hiện nay, đời sống của nhân dân đã được cải thiện, khách sạn, nhà hàng phát triển nếu tiếp thị tốt và cải tiến về mặt sản xuất, bánh đa Kẻ Sặt hoàn toàn có cơ hội phục hồi và phát triển như bánh đậu, bánh gai.
VnCharm
Nguồn tham khảo
http://haiduong360.vn/am-thuc-hai-phong/11063-banh-da-ke-sat.html