Ở khắp các vùng quê Việt Nam, nơi nào cũng có bánh tráng, nhưng bánh tráng cuốn thì không nơi đâu ngon bằng Đại Lộc. Bởi nghề làm bánh tráng cuốn ở Đại Lộc có từ rất lâu đời, thuộc nhóm nghề cổ truyền và được xem như nghề chính của nhiều người nông dân tại khu vực này, được truyền từ đời này sang đời khác.
Về vùng nông thôn Đại Lộc những ngày nắng nóng có thể thấy cảnh người làm bánh tráng đang hối hả tráng và phơi bánh để kịp bỏ cho nhiều mối hàng từ Quảng Nam, Đà Nẵng…
Bánh tráng cuốn ở Đại Lộc từ xưa đến nay đã trở thành “thương hiệu độc” của người dân đất Quảng.
Trước đây, ở Đại Lộc, hầu như nhà nào cũng có các dụng cụ tráng bánh. Đơn giản chỉ cần có chiếc cối xay, vài tấm liếp tre, một cái nồi to có bịt khung vải… là có thể tự tráng bánh được.
Đặc biệt, vào những lúc đồng áng xong, người nông dân có thể tráng bánh để ăn quanh năm… Bây giờ đồ nghề vẫn còn đấy, nhưng ít ai tự tráng bánh mà chỉ còn những người thợ làm bánh chuyên nghiệp. Cối xay tay được thay thế bằng máy, những tấm vỉ tre được thay bởi vỉ lưới nhựa...
Hiện nay, ở Đại Lộc, nghề làm bánh tráng tập trung chủ yếu ở thị trấn Ái Nghĩa và các xã như Đại An, Đại Hòa, Đại Nghĩa, Đại Quang… Mỗi làng có khoảng 15 – 20 hộ gia đình làm nghề bánh tráng chuyên nghiệp và cũng nhờ nghề này mà nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nghề làm bánh tráng cuốn có từ hàng trăm năm nay và trải qua những thăng trầm của lịch sử, bao thế hệ người dân nơi đây vẫn gắn bó, phát triển nghề.
Theo những người làm bánh tráng cuốn lâu năm ở Đại Lộc thì, để có bánh ngon đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo trong việc pha chế bột cũng như thao tác tráng bánh trên bếp lò.
Gạo phải là gạo mới và đảm bảo ba yếu tố thơm, ngon, dẻo. Gạo sau khi vo sạch, ngâm cho mềm và thay nước liên tục, xong đem xay nhuyễn.
Bột phải trộn thật đều, lượng nước vừa đủ để bột không được quá lỏng hay quá đặc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Bỏ thêm ít muối để tạo mùi vị cho bánh.
Khi tráng phải nhanh tay quay đều, nếu không bánh sẽ bị chỗ dày chỗ mỏng, sau đó đậy kín một lúc, bánh chín vớt ra trải ra vỉ đem phơi nắng. Nếu thời tiết có nắng tốt, chừng hai giờ thì bánh khô...
Một yếu tố luôn ảnh hưởng đến chất lượng của bánh tráng là thời tiết. Từ xưa đến nay, người nông dân ở Đại Lộc vẫn tranh thủ những ngày trời nắng to để tráng bánh.
Bánh được phơi khô giòn dưới nắng to sẽ dẻo, hương vị thơm ngon hơn, còn trời mù thì bánh sẽ bị sượng.
Khi trời mưa, người làm bánh mới dùng lò để sấy bằng than hầm, với cách làm này sẽ tốn chi phí mua than, công nhiều… nhưng bánh lại dẻo, thơm ngon hơn so với bánh tráng phơi nắng.
Chị Lê Thị Mai (Thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa) - người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề cho biết, nghề làm bánh tráng này rất cực, phải thức khuya dậy sớm… nhưng bù lại là có thu nhập ổn định.
Bánh tráng Đại Lộc thường dùng để cuốn thịt heo luộc, cá hấp… kết hợp cùng rau sống.
Người xứ Quảng ăn bánh tráng cuốn quanh năm, suốt tháng. Đặc biệt, với những người con xa quê, bánh tráng là món quà đặc sản mà họ muốn nhận nhất trong dịp lễ, tết. Vậy nên, mỗi khi nhắc đến bánh tráng Đại Lộc, nỗi nhớ quê lại dâng lên cồn cào từ tâm hồn người con xa xứ.
Theo danviet