Chiếu cói An Xá
Chiếu cói An Xá làm từ cói tự nhiên ở phá Hạc Hải. Cói nước lợ mọc trên đầm lầy bùn đọng cả triệu năm. Cói chen nhau vươn lên đón nắng thân dài mà nhỏ, đều cả hai đầu. Mùa hè là thu hoạch, cói được tải ra phơi ngay bờ ruộng. Được nắng, cây cói trắng xanh,dẻo dai. Để làm chiếu đậu, người ta còn phải chẻ nó ra rồi mới phơi, sợi nhỏ lăn tăn. Cốt chiếu An Xá được làm bằng sợi đay, sợi gai được nhập từ tận Hưng Yên, Hải Dường về. Chẳng trách, chiếc chiếu An Xá mịn màng, êm mát, bền bỉ. Mới mua về thì trải giường, cũ hơn thì trải ra nhà ngồi chơi, cũ nữa thì mang ra đồng làm tấm che nắng, đến rách đi rồi cũng không phải bỏ đi mà đem ra che chuồng trâu, chuồng bò ngày đông.
Lâu rồi mới về quê, rong xe đạp dọc bờ Kiến Giang, định bụng xuôi An Xá, qua Phú Thọ để đi chợ Thùi kiếm đặc sản tươi ngon xứ Lệ. Rằm tháng tư rồi, chắc có rạm. Tuổi đã lớn, lâu nay chỉ quen ô tô, xe máy, bỏ cái xe đạp lâu rồi nên cũng lóng ngóng mất một lúc. Nhưng rồi thói quen củ cũng trở lại rất nhanh, tay lái lụa, mặt nghênh nghênh ngó nghiêng. Thong thả ngả ngơi dưới những bóng cây bàng, tre, tràm, né mình muốn dựa vào hàng râm bụt, chè tàu xanh mướt. Những bến sông vẫn đó, rợp mát tán cây, bậc xây xi măng, nước trong xanh, trẻ nhỏ vẫy vùng. Thấy lòng thảnh thơi.
Đi qua cổng làng An Xá một quãng chợt nghe tiếng lạch xạch, lạch xạch quen thuộc của khung dệt chiếu cói, lòng thấy nao nao.
Đã lâu lắm rồi nhiều người không còn nhớ đến chiếc chiếu cói. Chiếu nhựa Trung Quốc tràn qua thời mở cửa giá rẻ, tiện lợi, gấp lại, trải ra, giặt nhanh, mau khô làm người ta bỏ chiếu cói, mua chiếu nhựa. Làng nghề chiếu cói điêu đứng, tiếng thoi, tiếng khung dệt im dần.
Đã là người Việt Nam ai mà không biết đến chiếc chiếu cói. Mới được sinh ra con đã được nằm trên chiếc chiếu cói cùng hơi ấm của mẹ. Con đái nhiều nên mẹ chọn cái chiếu hống dệt bằng thứ cói nguyên cây, sợi to cho róc nước. Mùa đông, sợ con lạnh, mẹ đặt dưới giường nồi than. Chỗ con nằm chiếu ướt rồi khô cứ thâm lại, rồi nó thủng ở đó. Lớn lên mới biết cứ mỗi lần ướt chiếu mẹ lại trở mình đặt con sang chỗ khô còn chỗ ướt đó mẹ nằm.
Khi biết nằm nôi, con được đong đưa trong chiếc nôi tre cha đan bằng tre trong vườn. Chiếc nôi xinh mà quê mình gọi là cái “èo” có bốn tao nôi bằng sợi mây dẻo tết lại, trên cùng là cái móc nôi bằng gốc tre cong cong như cái dấu hỏi, được đẽo gọt công phu. Trong chiếc nôi xinh xắn đó là một manh chiếu đậu nhỏ, thơm mùi cói tươi được nắng. Con lớn lên trong tiếng ru của bà, của mẹ lẫn trong hương thơm chiếu cói của làng An Xá.
Quê mình nhà nào mà chẳng có dăm ba chiếc chiếu cói. Nhà nghèo thì dùng chiếu hống sợi thô. Nhà giàu thì dùng chiếu đậu được dệt từ thứ cói tốt chẻ nhỏ, phơi khô săn lại, mặt chiếu mịn màng. Giường nhà quê được đóng bằng tre, dát tre bện mây. Khá giã hơn thì gỗ xoan, gỗ gụ, trên đó là chiếu cói. Khi còn lành lặn thì chiếu nằm. Lúc rách thì trải xuống nền nhà để ăn cơm, ngồi hóng mát. Đôi khi hàng xóm sang chơi gặp người dễ tính thì mẹ gọi con trải chiếu ra thềm, đặt giữa chiếu cái mâm gỗ, xếp lên đó dăm cái bát, lấy gáo dừa múc nước chè xanh rót vào. Thứ nước chè xanh vàng sánh, thoang thoảng hương, đượm vị gừng tươi.
Ngày mùa, thóc lúa đầy sân, gặp phải lúc nam nắng, đêm không phải xúc lúa vào nhà, cái chiếu rách lại được đem ra phủ lên trên đề phòng sương ẩm, mưa nhỏ. Sáng ra, cha mẹ đi gặt tay còn cắp theo cái chiếu cũ. Giưa đồng trưa nắng, chỉ cần mấy cây đòn xóc cắm xuống bờ ruộng, buộc cái chiếu lên trên là thành khoảng trời vuông mát rượi. Cả nhà quây quần dưới khoảng trời ấy mở mo cơm có muối vừng, cứ thái lát ra, cầm tay chấm muối mà ăn. Bên cạnh là quả bầu khô đựng nước vối, ngửa cổ mà tu. Đôi khi, sau bữa trưa, vơ nắn rạ rải ra, ngả lưng dưới khoảng trời vuông ấy mà đánh một giấc. Gió đồng miên man thổi, hương lúa chín ngào ngạt vây bọc như tằm trong kén lúa.
Đông về, ngày còn nghèo khó, không đệm, không chăn cha ra cây rơm cuối vườn rút một ôm lớn đem vào rải xuống giường, trải chiếu lên trên. Chăn đắp lại là một chiếc chiếu quấn quanh người. Chiếu quấn tròn như cái ống, hở đầu, hở chân. Mặc nguyên quần áo vậy đi ngủ mà vẫn lạnh, co quắp lại như con tằm trong kén mà gió vẫn lùa lấy đi hơi ấm. Cha giặt sạch cái bao bố đựng thóc đưa cho con, nói con cho hai chân vào bao cho đỡ lạnh. Ngủ hết đêm, sáng ra mới biết mình chui tọt vào trong bao bố tự bao giờ.
Hè đến, nắng chói chang, nắng đổ lửa, miền trung quê mình gió lào thổi ngùn ngụt. Cắp cái chiếu cói ra bờ tre, cạnh sông Kiến Giang, cạnh ao hồ, cạnh ruộng lúa. Trải chiếu lên lớp lá khô, cỏ xanh êm như thảm, dưới bóng tre. Gió đồng lùa qua mặt nước, xô vào lũy tre nâng tán lá đong đưa, thân tre cọ vào nhau kẽo kẹt làm nên bản nhạc đồng quê ru ta ngủ. Cần gì quạt máy, điều hòa.
Mỗi ngày, nghe tiếng đập chiếu bùm bùm vang cả một quãng sông là biết cô em hàng xóm đang giặt chiếu. Vội nhón chân ra nấp đầu bờ dậu dòm xuống bến sông. Thật điệu đà, em tung một cái, chiếc chiếu trải ra mặt nước. Một tay cầm cái chổi rèng quét đi quét lại, tay kia thoăn thoắt gấp từng đoạn kéo cái chiếu vào lòng rồi cầm một đầu em vung một vệt tròn qua đầu, đập đầu kia xuống nước, bùm bùm. Mỗi lần vung lên, nước cũng lượn theo thành cầu vồng trên đầu mà chẳng giọt nào rơi xuống mình. Loáng cái, chiếc chiếu đã vắt trên vai võng hai đầu xuống, tung tấy theo em về nhà. Đôi chân trần thon thả khuất nẻo vào ngõ vắng. Ngẫn ngơ.
Chiếu cói An Xá bền lắm. Cói được thu từ cói tự nhiên ở phá Hạc Hải. Cói nước lợ mọc trên đầm lầy bùn đọng cả triệu năm. Cói chen nhau vươn lên đón nắng thân dài mà nhỏ, đều cả hai đầu. Mùa hè là thu hoạch, cói được tải ra phơi ngay bờ ruộng. Được nắng, cây cói trắng xanh,dẻo dai. Để làm chiếu đậu, người ta còn phải chẻ nó ra rồi mới phơi, sợi nhỏ lăn tăn. Cốt chiếu An Xá được làm bằng sợi đay, sợi gai được nhập từ tận Hưng Yên, Hải Dường về. Chẳng trách, chiếc chiếu An Xá mịn màng, êm mát, bền bỉ. Mới mua về thì trải giường, cũ hơn thì trải ra nhà ngồi chơi, cũ nữa thì mang ra đồng làm tấm che nắng, đến rách đi rồi cũng không phải bỏ đi mà đem ra che chuồng trâu, chuồng bò ngày đông.
Xem ra, cái anh chiếu nhựa rồi cũng đến thời cáo chung. Cái thứ ấy nằm thì nóng, trẻ đái không thoát được nước, mãi không cần giặt vẫn không thấy bẩn nhưng ngồi thấy ghê ghê. Cũ một tí thì nó mũn ra, mỗi lần thu chiếu lại là vụn chiếu trắng nhà, gió thổi bay khắp nơi. Bây giờ giàu có hơn, người ta quay lại với hàng sinh thái, tự nhiên. Chiếu cói lại được lên ngôi. Trên cái đệm nhập khẩu từ Mĩ chủ nhà lại trải tấm chiếu tre, chiếu cói. Êm mà mát. Nằm cái chiếu tre vẫn cảm thấy chưa an tâm vì có khi nó được ngâm tẩm hóa chất để chống mốc. Nằm cái chiếu cói thì hoàn toàn vô tư, lại thơm mùi đồng quê. Cố từ quê ra, thăm đứa chắt mới chào đời còn cẩn thận cắp theo manh chiếu nhỏ cở nửa mét vuông, được dệt bằng thứ cói đồng quê, nói để chắt nằm cho mát. Chiếu cói bây giờ cũng thức thời rồi, không nhuộm màu xanh đỏ, lại được viền quanh bằng loại vải tốt màu nâu sồng của nhà quê. Chiếu cói được trải lên trên cái đệm thời hiện đại của Hàn Quốc, của Mĩ để nằm mùa hè cho mát, cho thoáng. Đông đến thì trải xuống dưới, đặt đệm lên trên, gọn gàng mà còn giữ cho đệm không bị ẩm.
Vậy đấy, chất quê vẫn vây bọc, gắn bó với con người từ ngày cơ hàn đến khi phú quý. Gần đây có công ty xuất khẩu đã phất lên từ việc làm chiếu mây bán cho nước ngoài mỗi chiếc đến dăm bảy trăm ngàn. Thế mới biết công nghiệp hóa mà nông dân vẫn còn đất sống.
Chiều nay, đi qua làng An Xá thấy chị, thấy em ngồi dệt chiếu mà thấy yêu biết mấy quê mình. Những con người ấy bới đất lật cỏ mấy mươi đời vẫn lam lũ, nhưng thuần hậu biết bao.
VnCharm
Nguồn: