Nghề dệt chiếu cói truyền thống ở Thái Bình

Đây là một trong những nghề truyền thống được nhiều người biết đến và hiện nay đang phát triển mạnh ở các huyện Hưng Hà, Kiến Xương, Tiền Hải, Quỳnh Phụ.

Đây là một trong những nghề truyền thống được nhiều người biết đến và hiện nay đang phát triển mạnh ở các huyện Hưng Hà, Kiến Xương, Tiền Hải, Quỳnh Phụ.

alt

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nghề dệt chiếu cói tập trung chủ yếu ở các làng Hà Xá, Mỹ Đại, Bùi Xá, Thụy Vân, Thanh Triều (Hưng Nhân); Luật Trung, Luật Ngoại (Kiến Xương); Kỳ Trọng, Vị Thủy, Thần Huống, Thanh Lương; Trung Hoài, Phúc Khê Tiền, Phúc Khê Trung, Nha Xuyên, Duy Tân (Thái Ninh); Đông Cao, An Khang (Tiền Hải); Trà Khê, Vô Ngại, Phúc Khánh Hạ; Lịch Hải, Tống Văn, Tống Vũ; Trà Lũ, An Tràng (Phụ Dực). Theo P.Gourou, thì nghề dệt chiếu cói phát triển nhất ở huyện Hưng Nhân (Hưng Hà, Thái Bình ngày nay). Ở đây có ông tổ nghề chiếu là Trạng Nguyên Phạm Đôn Lễ.

Theo truyền thống địa phương, năm 1484, ông được dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta sang sứ nhà Minh (Trung Quốc), đến vùng Quế Lâm, ông thấy nghề dệt chiếu ở đây phát đạt, liền vào xem và học hỏi kỹ thuật dệt của họ. Về nước, ông đã truyền dạy lại cho dân làng Hới (Hải Triều). Xưa, khung dệt có ngựa đỡ, từ khung đứng chuyển sang làm khung ngồi, cói cũng được nhuộm màu, để dệt chiếu hoa, chiếu cải vừa bền, vừa đẹp. Dân làng Hải Triều đã lập đền thờ ông.

Từ làng Hới, nghề làm chiếu được truyền sang các làng Thanh Triều, Xuân Trúc, Quan Khê, Phú Hà, Phú Vật, Trung Hòa và nhiều làng xã khác trong vùng. Nhờ đó, chiếu làng Hới được người trong nước và người nước ngoài biết đến.

Sách Đại Nam Nhất Thống chí do Quốc Sử Nguyễn biên soạn, trong mục “Sản vật” có ghi về hai vùng chiếu nổi tiếng lúc bấy giờ làng chiếu Uông Thượng, Uông Hạ, Đỗ Chu, Mạc Xá, huyện Thanh Lâm (Nam Sách, Hải Dương) và Thanh Triều, Hải Triều, huyện Hưng Nhân (Hưng Hà, Thái Bình ngày nay), nhưng có ghi thêm một dòng rằng: “Chiếu Thanh Triều, Hải Triều, huyện Hưng Nhân sản xuất tốt hơn cả”. Chiếu Hới không chỉ được người trong nước ưa thích mà người Trung Hoa cũng ưa chuộng. Từ thời nhà Thanh, nhiều thương gia người Hoa đã đến Hải Triều thuê đất, mướn nhân công, lập ra các xưởng chiếu lớn, sản phẩm làm ra gửi các tàu buôn đem về Trung Quốc để bán. Chiếu dệt ở các xưởng của thương nhân người Hoa hẹp chiều ngang và dệt thành cuộn dài 35 mét. Vào cuối thế kỷ XIX, số xưởng dệt của người Hoa lên tới hàng chục, thu hút 500-700 lao động; Số chiếu dệt ra lúc thấp nhất là 5.000 cuộn, lúc cao đạt tới 20.000 - 24.000 cuộn (84.000 mét). Về sau, do thiếu nguyên liệu, các xưởng của người Hoa rút dần.

Vào thời kỳ cận đại, sản phẩm cói có thêm một số mặt hàng mới: Bao cói, bị, ró, theo yêu cầu đặt hàng xuất khẩu.

Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế (1929-1933), nghề làm cói bị sa sút nghiêm trọng. Từ 1935 trở về sau, nghề làm cói ở Thái Bình mới bắt đầu phục hồi. Đến 1938, đã sản xuất được 60-80 tấn chiếu và 350 ngàn bao cói mỗi tháng. Từ 1940, các làng Luật Trung, Vô Ngại, chuyển sang sản xuất thảm cói cho bảo tàng Mô ri xơ Long. Mỗi mảnh thảm cói có khổ 0.30 x 0.30m. Một công nhân chuyên nghiệp có thể làm được 4 mảnh thảm mỗi ngày.

Trong những năm 1985-1990, mặt hàng thảm cói và chiếu se đan ở Thái Bình trở thành một trong những mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu. Trong 6 năm (1985-1990) xuất khẩu 862 nghìn m2 thảm cói và 9.518 nghìn m2 chiếu se đan. Nhờ đó nhiều cơ sở, làng dệt chiếu cói được phục hồi và phát triển. Thời gian gần đây, trung bình mỗi năm, Thái Bình sản xuất được 7-8 triệu lá chiếu các loại, sản phẩm được tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực; Giá trị sản xuất đạt trên 100 tỷ đồng (giá cố định -1994), giải quyết nhiều việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn. Hiện nay, sản lượng tuy giảm nhưng dệt chiếu vẫn là một trong những nghề mũi nhọn của tiểu thủ công nghiệp Thái Bình.

VnCharm

Nguồn:

http://thabilink.com/news/news_id/87/nghe-dt-chieu-coi-truyen-thong-tai-thai-binh

Bình luận của bạn