Sự hồi xuân kỳ diệu của làng nghề chiếu cói Phú Tân – Phú Yên

Nghề dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An là làng nghề truyền thống có từ rất lâu đời. Vài năm trở lại đây, làng nghề gặp nhiều khó khăn, tưởng chừng như làng nghề bị mai một và dần biến mất một cách đáng tiếc như nhiều làng nghề truyền thống khác. Tuy nhiên, với một nỗ lực kỳ diệu, làng nghề chiếu cói Phú Tân đã lấy lại sức sống và có một bước chuyển mình mạnh mẽ…

Nghề dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An là làng nghề truyền thống có từ rất lâu đời. Vài năm trở lại đây, làng nghề gặp nhiều khó khăn, tưởng chừng như làng nghề bị mai một và dần biến mất một cách đáng tiếc như nhiều làng nghề truyền thống khác. Tuy nhiên, với một nỗ lực kỳ diệu, làng nghề chiếu cói Phú Tân đã lấy lại sức sống và có một bước chuyển mình mạnh mẽ…

Mạnh dạn đầu tư

Chứng kiến bao thăng trầm, khó khăn và cả nguy cơ mai một dần của làng chiếu, và được sự hướng dẫn tận tình của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương, một số người dân có tâm huyết với nghề truyền thống đã tiếp cận được với công nghệ dệt chiếu bằng máy của làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp), làng chiếu Bình Định.

Đầu năm 2010, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Phương ở thôn Phú Tân 2, xã An Cư, huyện Tuy An cùng gia đình đã đầu tư 850 triệu đồng mua 11 máy dệt chiếu, 3 máy may bìa và xây dựng tổ sản xuất chiếu cói. Sau một năm mua máy, tổ hợp sản xuất chiếu cói đã đi vào hoạt động hiệu quả. Với 10 máy dệt, mỗi tháng tổ hợp này đã sản xuất ra 4.500 chiếc chiếu, với tổng giá trị 301.500.000 đồng; trừ các chi phí, thu lợi nhuận 31.500.000 đồng. Như vây, bình quân mỗi thành viên của tổ hợp sản xuất thu về 6,3 triệu đồng, đời sống được nâng cao. Ngoài ra, tổ hợp sản xuất còn tạo việc làm ổn định cho 30 lao động của địa phương với mức lương từ 2 – 3 triệu đồng/tháng.

alt

Chiếu dệt máy có ưu điểm là chiếu dày, chắc, đẹp, bền nên giá trị cao gấp đôi chiếu thường. Nếu một cặp chiếu dệt tay, giá chỉ khoảng 50.000 – 60.000 đồng/cặp thì chiếu dệt máy giá lên đến 130.000 – 160.000 đồng/cặp. Máy dệt chiếu có thể dệt được vài chục mẫu chiếu với nhiều hoa văn, kích thước khác nhau. Anh Nguyễn Văn Phong, một thành viên trong tổ sản xuất chiếu cói cho biết: “Sở dĩ chiếu dệt máy giá cao hơn chiếu thường như vậy là vì dệt một chiếc chiếu bằng tay chỉ tốn khoảng 2kg lát thì chiếu máy lại mất 6 kg lát (do chiếu máy dệt rất chắc, dày) nên đẩy giá thành lên cao.

Tuy vậy, loại chiếu này rất đẹp và bền, có thể sử dụng trên 2 năm/chiếc nên nhiều người vẫn thích dùng chiếu dệt máy. Tuy vậy, chúng tôi không sợ chiếu dệt máy dẽ “giết chết” chiếu dệt tay truyền thống vì hai lại chiếu này được tiêu thụ ở hai thị trường với hai lớp khách hàng khác nhau. Chiếu dệt tay giá rẻ, phù hợp với người dân nông thôn, miền núi còn chiếu dệt máy lại được người dân ở các thành phố chuộng sử dụng”. Một tín hiệu đáng mừng là làng chiếu Phú Tân đã khôi phục lại mẫu chiếu hoa nổi truyền thống nổi tiếng của làng dệt chiếu Phú Tân, vốn đã bị lãng quên từ lâu khiến nhiều người tâm huyết với làng chiếu vô cùng phấn khởi.

Toàn xã An Cư có 25 ha diện tích trồng lát. Nếu trứơc kia có lúc người dân thu hoạch nhiều lát, làm không hết phải bán rẻ cho nơi khác thì hiện nguồn nguyên liệu này không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của làng nghề. Tính riêng tổ hợp sản xuất chiếu bằng máy, mỗi tháng phải sử dụng gần 10 tấn lát nên lượng lát ở cánh đồng Phú Tân không đủ, phải nhập thêm lát từ nơi khác như Phú Hiệp, Bình Định, TP Hồ Chí Minh... Hiện giá lát rất cao (lát đẹp giá gần 13,5 triệu đồng/tấn), mỗi chuyến hang nhập về giá ít nhất cũng hơn 200 triệu đồng nên hiện tổ hợp đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Chị Kim Phương tâm sự: “Tôi rất muốn thành lập một doanh nghiệp tư nhân để thuận tiện trong trao đổi, giao dịch và mở rộng xưởng sản xuất, mua thêm máy dệt chiếu nhưng chưa đủ vốn. Ngoài ra, chiếu sản xuất nhiều nhưng cơ sở của chúng tôi không có sân phơi, kho chứa. Mùa mưa sắp tới mà các khó khăn này chưa giải quyết được thì cơ sở sẽ gặp khó khăn không nhỏ…”

Sức sống nơi làng chiếu

Chị Kim Phương nhớ lại: “Để có được kết quả như ngày hôm nay, tôi vô cùng cảm ơn chính quyền địa phương, các ban ngành đã hết sức giúp đỡ chúng tôi trong những ngày đầu lập nghiệp. Năm 2006, chúng tôi được đi tham quan mô hình dệt chiếu máy ở Đồng Tháp, nhưng vì chưa có vốn nên không dám đầu tư mua máy. Sau nhiều năm, làng nghề dệt chiếu lao đao vì nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng làng nghề sẽ mất. Là người dân đã gắn bó nhiều đời với nghề dệt chiếu, tôi quyết định thử một lần nữa tìm hiểu về mô hình dệt chiếu máy này. Năm 2009, tôi dồn tiền mua thử 2 máy dệt chiếu về làm thử. Không ngờ kết quả ngoài mong đợi, năng suất tăng gấp hàng chục lần so với dệt thủ công, chiếu dệt ra lại được khách hàng rất ưa chuộng. Thấy được lợi ích của máy dệt, tôi huy động các anh em trong nhà hùm vốn đầu tư mua thêm 9 máy dệt và thành lập tổ sản xuất này. Đến nay tổ sản xuất đã hoạt động rất hiệu quả”.

Trước kết quả đó, một số hộ gia đình trong làng chiếu Phú Tân cũng mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu. Đến nay, không khí làm việc của làng nghề dệt chiếu Phú Tân đã sôi động và nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Với mô hình sản xuất chiếu dệt máy tập trung, chất lượng cao, chiếu Phú Tân đã cạnh tranh được với chiếu của các làng nghề khác, mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp bà con làng nghề có nguồn tiêu thụ ổn định. Đến nay, chiếu Phú Tân đã có mặt trên nhiều thị trường lớn như Khánh Hòa, Phan Thiết, Ninh Thuận, Bình Thuận… Nhờ nguồn bao tiêu tại chỗ, bà con làng nghề không còn lo sợ tồn hàng hay bị ép giá như trước.

Mô hình sản xuất chiếu cói không chỉ đem lại việc làm ổn định cho các công nhân tại xưởng sản xuất chiếu mà còn góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho bà con nông dân trồng lát ở cánh đồng lát Ba Biện - thôn Phú Tân 2, cánh đồng lát Đồng Dỡ, thôn Tân Long. Theo ông Phạm Đăng Tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Cư, một sào lúa ở cánh đồng này, nếu năng suất ổn định thì mỗi năm cũng chỉ thu được khoảng 3,6 triệu đồng (2 vụ lúa) trong khi trồng lát có thể thu khoảng 4,5 triệu đồng/năm (3 vụ lát). Chưa kể trồng lát rất đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc, phân bón mà không phải lo đất bị nhiễm mặn (cây cói sống được tốt ở vùng đất nhiễm mặn). Do có nguồn tiêu thụ tại chỗ và ổn định nên nhiều người dân xã An Cư rất phấn khởi đầu tư trồng lát, nâng cao thu nhập.

Ông Tỉnh cho biết thêm: “Mô hình tổ hợp sản xuất chiếu cói bằng máy của gia đình chị Phương hoạt động rất hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xã, đồng thời bảo tồn và phát triển được làng nghề dệt chiếu truyền thống nên chính quyền xã An Cư rất ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cơ sở hoạt động. Nghị quyết Đảng bộ xã An Cư năm 2011– 2015 cũng khuyến khích mở rộng diện tích trồng cói nhằm khôi phục và phát triển làng nghề dệt chiếu Phú Tân. Theo đó, xã An Cư sẽ chuyển đổi 10 ha trồng lúa nhiễm mặn, kém hiệu quả ở cánh đồng Đồng Dỡ, thôn Tân Long chuyển đổi sang trồng cói, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho làng nghề dệt chiếu”.

VnCharm

Nguồn:

http://www.baocongthuong.com.vn/lang-nghe-chieu-coi-phu-tan

Bình luận của bạn