Thăng trầm làng nghề dệt chiếu Tân Thành

Mười năm trở về trước, nghề dệt chiếu ở xã Tân Thành (thành phố Cà Mau) rất hưng thịnh. Nhà nhà đều làm nghề dệt chiếu, bình quân mỗi hộ dệt từ 150-500 đôi chiếu các loại cho thu nhập từ 30-120 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ sản phẩm đa dạng về mẫu mã, bền, đẹp nên chiếu Tân Thành một thời nổi tiếng gần xa.

Mười năm trở về trước, nghề dệt chiếu ở xã Tân Thành (thành phố Cà Mau) rất hưng thịnh. Nhà nhà đều làm nghề dệt chiếu, bình quân mỗi hộ dệt từ 150-500 đôi chiếu các loại cho thu nhập từ 30-120 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ sản phẩm đa dạng về mẫu mã, bền, đẹp nên chiếu Tân Thành một thời nổi tiếng gần xa.

Sung túc nhờ nghề dệt chiếu 

Bà Tô Cẩm Than biết dệt chiếu từ thời con gái. Hơn ba mươi năm kế thừa nghề cha truyền con nối, bà Than trở thành một trong những tay dệt chiếu có tiếng ở làng dệt chiếu Tân Thành. Bà biết dệt đủ các loại chiếu từ chiếu thường đến chiếu "cao cấp" có lãi chữ, hoa văn phức tạp. Người dân ở làng nghề dệt chiếu Tân Thành khâm phục tài khéo léo, thẩm mỹ và sự sáng tạo của bà Than. Bà tâm sự: Gia đình tôi có hơn mười lao động tham gia nghề dệt chiếu nên số lượng chiếu dệt được khá lớn, bình quân mỗi năm dệt khoảng 200-400 đôi chiếu các loại cho thu nhập khá ổn định từ 60-100 triệu đồng/năm.

alt

Theo kinh nghiệm của các lão làng nghề dệt chiếu Tân Thành, muốn có sản phẩm bền, đẹp và đa dạng mẫu mã thì thợ dệt không chỉ giỏi tay nghề bởi chất lượng sản phẩm tốt hay xấu còn tuỳ thuộc rất lớn vào công đoạn chẻ lát, phơi lát và nhuộm màu cho từng sợi lát phải đúng kỹ thuật. Nhờ các hộ dệt chiếu đầu tư nhiều công sức tạo ra được sản phẩm chiếu bền, đẹp nên tiếng lành đồn xa, làng dệt chiếu Tân Thành ngày càng có khách hàng, thương lái trong và ngoài tỉnh Cà Mau tìm đến đặt mua các loại chiếu các khổ cỡ lớn và nhỏ có lãi bông, chữ hay hoa văn trông rất bắt mắt. Mỗi đôi chiếu có lãi chữ, hoa văn bán được giá 600-800 ngàn đồng (giá gấp 2-3 lần so với dệt chiếu thường). 

Ông Đặng Lâm Tuấn, Trưởng ban nhân dân ấp 5, xã Tân Thành cho biết: Nhờ sản xuất chiếu với số lượng lớn hàng chục ngàn đôi chiếu/năm nên hàng trăm hộ ở làng chiếu Tân Thành đều khá giả, nhiều hộ xây cất được nhà tường khang trang, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị trong gia đình.

Tìm lại chỗ đứng cho làng nghề 

Trong năm năm gần đây, sản phẩm chiếu Tân Thành mất dần chỗ đứng, không còn nhiều thương lái đến ký hợp đồng mua sản phẩm vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Giờ đây, các hộ dệt chiếu chỉ dệt theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ, thu nhập thấp và đầu ra bấp bênh. Đây là nguyên nhân khiến nhiều hộ quay lưng với nghề dệt chiếu truyền thống. Sở dĩ, một số hộ còn trụ được nghề này là nhờ kết hợp chăn nuôi cá bống tượng, cá chình để tăng thu nhập kinh tế. Bà Trịnh Thị Chấm có hơn hai năm làm nghề dệt chiếu bộc bạch: Thời điểm ăn nên làm ra, mỗi năm gia đình tôi dệt 150-250 đôi chiếu (chủ yếu là loại chiếu thường: cờ lông 1, cờ lông 2) thu nhập 30-60 triệu đồng/năm, vì nay sản phẩm khó tiêu thụ nên số lượng chiếu dệt giảm xuống còn chưa đầy 100 đôi chiếu/năm. Gia đình tôi còn giữ được nghề dệt chiếu nhờ áp dụng mô hình lấy ngắn nuôi dài. Tiền bán sản phẩm chiếu dệt theo đơn đặt hàng sẽ đầu tư mua con giống, thức ăn nuôi 2 ao cá bống tượng (mỗi ao có diện tích 1000m2), thời gian 8-10 tháng mới cho thu hoạch; nếu cá phát triển tốt gia đình tôi sẽ thu được 40-80 triệu đồng/vụ nuôi. 

Ông Đặng Lâm Tuấn, Trưởng ban nhân dân ấp 5, xã Tân Thành trăn trở: Từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm làm nguồn nước nhiễm mặn đã phá hủy hết các cách đồng trồng lát, dẫn đến nguồn nguyên liệu dùng dệt chiếu bị thiếu hụt trầm trọng. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, nghề dệt chiếu vất vả nhưng thu lãi thấp cho nên đây là nguyên nhân khiến hàng trăm hộ dân bỏ nghề cha truyền con nối này. 

Hiện tại, nghề dệt chiếu truyền thống ở Tân Thành ngày bị mai một do gặp khó khăn nguyên liệu, thiếu vốn sản xuất và đầu ra không ổn định. Trước đây, toàn xã có hơn 80% hộ dệt chiếu nay xã chỉ còn 20-30% hộ còn giữ nghề. Lực lượng lao động chính tham gia dệt chiếu chủ yếu là phụ nữ nhưng vì công việc dệt chiếu quá cực nhọc, sản phẩm không có đầu ra nên phần lớn chị em không tha thiết với nghề truyền thống nữa mà chuyển đổi sang làm công nhân cho các nhà máy chế biến thuỷ sản tại địa phương hoặc chuyển sang nuôi cá bống tượng, cá chình để có thu nhập cao hơn. 

Các hộ dệt chiếu Tân Thành đang gặp khó khăn về vốn sản xuất và nguồn nguyên liệu tại chỗ để phát triển sản xuất, do vậy các hộ dân phải ký hợp đồng mua nguyên liệu từ nơi khác với giá cao từ 4-5 triệu đồng/công lát tươi, chưa tính đến chi phí vận chuyển nhiều tốn kém. Các hộ dệt chiếu Tân Thành mong muốn chính quyền địa phương quan tâm lập dự án hỗ trợ vốn vay giúp các hộ làm nghề dệt chiếu tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, từng bước khôi phục lại làng nghề dệt chiếu truyền thống. 

Ông Lê Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của xã, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền vận động các hộ dân khôi phục lại làng nghề, quan tâm lập dự án hỗ trợ vốn sản xuất cho bà con, khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu lát dệt chiếu. Bên cạnh đó, thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất, ký kết với thương lái và các cơ sở tiêu thụ mặt hàng chiếu trong và ngoài tỉnh Cà Mau để tìm đầu ra cũng như giá cả ổn định cho sản phẩm. Xã Tân Thành còn khuyến khích các hộ dân áp dụng mô hình dệt chiếu kết hợp với nuôi cá bống tượng, cá chình và cải tạo vườn tạp trồng hoa màu, cây trái để tăng thu nhập ổn định cuộc sống.

VnCharm

Nguồn: Theo TTXVN

Bình luận của bạn