Cơ hội mới cho cây hồ tiêu vùng Cùa

Vùng Cùa của huyện Cam Lộ (Quảng Trị) gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa có diện tích đất đỏ bazan trên 3.000 ha, trong đó có hơn 350 ha được quy hoạch trồng tiêu. Đây là vùng đất có thế mạnh phát triển về cây công nghiệp và trên thực tế nhờ có sự đầu tư của các dự án, đầu tư từ ngân sách, người dân ở vùng Cùa đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh này mang lại hiệu quả cao từ cây cao su, hồ tiêu…    

Vùng Cùa của huyện Cam Lộ (Quảng Trị) gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa có diện tích đất đỏ bazan trên 3.000 ha, trong đó có hơn 350 ha được quy hoạch trồng tiêu. Đây là vùng đất có thế mạnh phát triển về cây công nghiệp và trên thực tế nhờ có sự đầu tư của các dự án, đầu tư từ ngân sách, người dân ở vùng Cùa đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh này mang lại hiệu quả cao từ cây cao su, hồ tiêu… 
 
alt
 
Hồ tiêu vùng Cùa được biết đến là sản phẩm kết tinh từ đấy bazan màu mỡ, sự khắc nghiệt của gió Lào và thời tiết của miền đất Quảng Trị. Tất cả đã tạo nên sự khắc biệt của sản phẩm Tiêu Cùa. Đây là loại sản phẩm chất lượng tốt, hàm lượng tinh dầu cao và luôn được thu mua với giá cao hơn sản phẩm cùng loại ở các vùng khác. Tuy nhiên, đối với cây hồ tiêu, do một thời gian khá dài trước đây, thị trường sản phẩm tiêu không ổn định, có lúc giá rớt xuống quá thấp đã làm cho nhiều nông dân nản lòng, không mặn mà đầu tư chăm sóc vườn tiêu nên dẫn đến nhiều vườn tiêu xuống cấp nghiêm trọng.
 
Vài năm trở lại đây, thị trường tiêu dần ổn định trở lại, nông dân lại quay về đầu tư trồng mới và chăm sóc khôi phục vườn tiêu. Để kịp thời khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất cây hồ tiêu, bảo vệ và mở rộng vùng chuyên canh tiêu, mở ra vùng sản xuất ổn định có thu nhập cao, tạo việc làm cho người dân, huyện Cam Lộ đã xây dựng đề án thí điểm phục hồi và trồng mới cây hồ tiêu giai đoạn 2011- 2015 triển khai tại 3 xã Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Thành với sự phối hợp của “4 nhà”. 
 
Đây thực sự là một cơ hội mới cho người dân trồng tiêu vùng Cùa, bởi thông qua việc triển khai đề án này nông dân nơi đây có giải pháp khả quan nhằm khắc phục tình trạng tiêu cho năng suất thấp và dịch bệnh, đồng thời cóđiều kiện đầu tư thâm canh cây tiêu trên diện tích đất đai sẵn có.
 
alt 
 
Vườn tiêu của gia đình bà Trần Thị Cúc ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính đã được đầu tư trồng mới khá đồng bộ bằng việc thay đổi cây giống và áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong việc trồng tiêu bằng trụ bê tông. Gần 100 triệu đồng được gia đình bà đầu tư xây 200 trụ bê tông để trồng mới vườn tiêu. 
 
Bà Cúc cho biết: “Hiện nay, tiêu bán được giá cao nên nhiều người trong xã muốn đầu tư trồng mới hoặc chăm sóc phục hồi vườn tiêu. Gia đình tôi khi tham gia vào đề án của huyện được hỗ trợ về kinh phí, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu. Gia đình tôi đầu tư trồng mới lại hoàn toàn vườn tiêu, thời gian đầu khi tiêu còn nhỏ, tôi xây trụ thấp để tiết kiệm vốn đầu tư, sau này tiêu lên cao tôi sẽ xây thêm trụ cao hơn cho đến khi tiêu ổn định”. Vườn tiêu của gia đình bà Cúc là một trong số 30 gia đình ở xã Cam Chính tham gia vào đề án phục hồi và trồng mới cây hồ tiêu của huyện. 
 
Hưởng ứng tham gia thực hiện đề án này, Công ty TNHH MTV thương mại Quảng Trị trên cơ sở thành công bước đầu xây dựng thương hiệu tiêu Cùa đã đầu tư bình quân 500 triệu đồng/năm cho xã Cam Chính để hỗ trợ người dân tham quan học tập, hội thảo đầu bờ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cải tạo giống, mua các loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật cũng như nhiều hoạt động khác nhằm nâng cao năng lực, trình độ canh tác cho người dân trồng tiêu, xây dựng vùng tiêu sinh thái, phát triển bền vững. Bước đầu công ty triển khai thực hiện thí điểm 30 mô hình ở xã Cam Chính. 
 
Anh Nguyễn Văn Phượng, cán bộ khuyến nông xã Cam Chính cho biết: Sau khi triển khai đề án phục hồi vườn tiêu, xã Cam Chính tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện. Với sự kết hợp đồng bộ giữa UBND xã, Văn phòng đại diện của Công ty TNHH MTV thương mại Quảng Trị tại địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, đề án phục hồi và trồng mới vườn tiêu trên địa bàn xã bước đầu triển khai rất tốt.
alt
 
Công ty TNHH MTV thương mại Quảng Trị cử cán bộ về chỉ đạo sản xuất tại địa bàn, trực tiếp hướng dẫn cho các hộ kỹ thuật chăm sóc phục hồi và trồng mới vườn tiêu. Đến nay, diện tích tiêu trồng mới đã bắt đầu sinh trưởng và phát triển tốt, vườn tiêu phục hồi cũng đâm chồi nảy lộc. Công ty còn xây dựng một vườn tiêu mẫu tại địa phương để làm mô hình trình diễn cho nông dân trong xã thấy rõ hiệu quả của việc phục hồi vườn tiêu từ đó có hướng đầu tư chăm sóc đúng cách. 
 
Ngoài việc hỗ trợ kinh phí đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, công ty còn cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân theo giá thị trường cũng như đảm bảo về chất lượng sản phẩm được ký gửi tại kho. Công ty tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài nước để thương hiệu tiêu Cùa có vị trí đúng tầm với chất lượng sản phẩm. Sau một năm, đề án sẽ được sơ kết đánh giá kết quả thực hiện để nhân rộng ra toàn vùng Cùa nhằm duy trì và phát triển loại cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế này.
 
Với sự phối hợp của “4 nhà”, đề án phục hồi và trồng mới vườn hồ tiêu giai đoạn 2011- 2015 của huyện Cam Lộ sẽ góp phần giải quyết vấn đề sản xuất gắn liền với chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiêu thụ, những vướng mắc mà lâu nay địa phương và người nông dân chưa tháo gỡ được. Cây hồ tiêu vùng Cùa đã thực sự có cơ hội nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng tiêu.
 
 
VnCharm
 
Nguồn tham khảo:
 
http://baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=53100
Bình luận của bạn