“Vương Quốc” Hồ Tiêu
Lộc Ninh có 3.873 ha hồ tiêu, chiếm 40% diện tích và gần 50% sản lượng hồ tiêu cả tỉnh. Lộc Ninh đã và đang trở thành “vương quốc” của loài cây công nghiệp xuất khẩu có giá trị cao nhưng cũng rất khó tính là hồ tiêu…
Lộc Ninh có 3.873 ha hồ tiêu, chiếm 40% diện tích và gần 50% sản lượng hồ tiêu cả tỉnh. Lộc Ninh đã và đang trở thành “vương quốc” của loài cây công nghiệp xuất khẩu có giá trị cao nhưng cũng rất khó tính là hồ tiêu…
Vua hồ tiêu ở Lộc Ninh
Buổi sáng tháng 4, dưới cái nắng gắt của mùa khô, đưa chúng tôi đến vùng chuyên canh trồng tiêu lớn nhất Bình Phước là xã Lộc An, anh Điểu An, Phó chủ tịch Hội nông dân xã phấn khởi: Trời phú cho Lộc An có diện tích đất đỏ bazan phù hợp với cây tiêu nhưng “vốn” quý nhất của những người trồng tiêu giỏi ở đây là tấm lòng chung thủy để chắt nhặt kinh nghiệm đầu tư, chăm sóc những vườn tiêu xanh mướt trải dài trên biên giới. Sau nhiều thập kỷ thăng trầm vì các loại bệnh và giá cả hồ tiêu, Lộc An vẫn còn 779 ha và là xã có diện tích hồ tiêu lớn nhất ở Bình Phước. Trong hai năm 2010-2011, giá tiêu đạt kỷ lục 120-180 ngàn đồng/kg, nhiều hộ trồng tiêu ở Lộc An trở thành tỷ phú.
Dọc hồ Suối Cốc, chúng tôi đến vườn tiêu 2.800 nọc của gia đình chị Lê Thị Tuất ở ấp 7. Vườn tiêu 12 năm tuổi, đẹp nhất ở Lộc An hiện nay. Nằm trải dài trên đồi đất đỏ thoai thoải, những trụ tiêu 3 người ôm không xuể của gia đình chị phủ màu xanh mát rượi. Phần nửa vườn phía trên, chị Tuất trồng giống tiêu Vĩnh Linh với khoảng 1.500 nọc, nửa vườn dưới 1.300 nọc tiêu sẻ đang vào chính vụ. Thời điểm này, những vườn tiêu giống Vĩnh Linh ở xã Lộc An đã thu hoạch xong gần 1 tháng. Riêng vườn của chị Tuất vẫn chưa hái xả, chị ước tính mỗi trụ còn hơn 1kg tiêu khô. Chị Tuất phấn khởi: Người trồng tiêu cho rằng với giống tiêu Ấn Độ, Vĩnh Linh năng suất cao nhưng năm được, năm mất. Riêng gia đình tôi chưa năm nào mất mùa mà chỉ giảm khoảng 20% so với năm được mùa. Nhiều người cho rằng chị Tuất may mắn chọn được giống tiêu đẹp, chuỗi dài sây, lá nhỏ nhưng theo chị đó là nhờ kỹ thuật chăm sóc. Mùa tiêu năm 2011, chị Tuất thu hơn 8 tấn tiêu, được gần 1,3 tỷ đồng, trong đó đầu tư chăm sóc, công thu hoạch khoảng hơn 200 triệu đồng. Vụ tiêu nào chị Tuất cũng đón các đoàn khách các nước Malaysia, Ấn Độ, Indonesia đến tham quan tìm hiểu kinh nghiệm.
Năm 2010, Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vinh danh 12 người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam, trong đó Bình Phước có 6 người đều ở huyện Lộc Ninh (Lộc An 3 người). Kỹ sư Lê Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lộc Ninh, cho rằng: Nếu theo tiêu chí được vinh danh “người trồng tiêu giỏi” do Cục Trồng trọt đưa ra thì ở Lộc Ninh phải có hàng trăm người.
Chung tay xây dựng vùng chuyên canh bền vững
Năm 2011 cả nước có khoảng 50.000 ha hồ tiêu, trong đó huyện Lộc Ninh là 3.873 ha, năng suất 3-4 tấn/ha. Giống tiêu chủ yếu là tiêu sẻ chiếm 70% diện tích; bình quân chu kỳ tiêu là 15 năm. Diện tích hồ tiêu ở Lộc Ninh sẽ không tăng vì đất phù hợp trồng tiêu đã hết, công lao động mùa vụ ở nông thôn ngày càng khó khăn. Theo quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu ở Lộc Ninh khoảng 3.600 ha. Với giá tiêu đen bình quân 120-140 ngàn đồng/kg, nếu so sánh thì không có loại cây công nghiệp nào có doanh thu, lãi cao/diện tích như hồ tiêu.
Thế nhưng, hồ tiêu là cây trồng khó tính và đầu tư cao. Ông Nguyễn Bá Thịnh, người được vinh danh “vua” trồng tiêu ở ấp 4, xã Lộc An cho biết, đầu tư trồng 1 ha hồ tiêu hiện nay phải mất hơn 1 tỷ đồng. Đầu tư cao nhưng dễ bị trắng tay vì vườn tiêu nhạy cảm dịch bệnh chết nhanh. Phát triển hồ tiêu ở Lộc Ninh cũng như nhiều vùng trồng tiêu khác chưa mang tính bền vững, không tập trung, chưa có quy hoạch từ khâu sản xuất giống, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch. Việc đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học còn hạn chế, nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân. Chính vì thế, năng suất hồ tiêu chưa đồng đều và ổn định.
Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp theo chiều hướng ngày càng bất lợi đối với sinh trưởng, phát triển của cây tiêu, khó khăn nhất trong việc duy trì diện tích trồng tiêu ở Lộc Ninh là nông dân không dám tái canh trên nền đất cũ đã trồng tiêu bị chết. Bởi nếu trồng được 2-3 năm tuổi, tiêu chết hàng loạt, nông dân bị tổn thất nặng nề vì đầu tư lớn. Kỹ sư Lê Thanh Bình cho rằng: Để phát triển hồ tiêu bền vững ở vùng có truyền thống chuyên canh như Lộc Ninh thì phải có đề tài nghiên cứu sâu về kỹ thuật tái canh trên nền đất cũ; nghiên cứu để ngăn ngừa dịch bệnh hồ tiêu, đặc biệt là bệnh chết nhanh. Hiện nay, ở vùng trồng tiêu trẻ Chư Sê, tỉnh Gia Lai, bệnh chết nhanh đang hoành hành. Anh Phan Trang, Chủ tịch Hội nông dân xã Lộc An, cho biết: 5 năm trước, Lộc An đón đoàn chuyên gia nghiên cứu cây tiêu trong và ngoài nước. Họ đã lấy mẫu đất ở 5 khu vực trong xã mang đi. Những người trồng tiêu ở Lộc An vẫn mong đợi kết quả nghiên cứu để quy hoạch trồng tiêu thích hợp nhưng chưa có hồi âm.
Theo ông Thịnh, muốn phát triển hồ tiêu bền vững, phải tập hợp những người trồng tiêu giỏi để trao đổi kinh nghiệm hay về trồng tiêu năng suất cao, sạch và giữ tuổi thọ vườn tiêu. Kỹ sư Lê Thanh Bình cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu hồ tiêu, Chính phủ cần có chính sách xây dựng thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng hồ tiêu chế biến sâu, mang thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh. Là vựa tiêu lớn của cả nước nhưng hiện nay ở Lộc Ninh chưa có doanh nghiệp lớn thu mua, chế biến xuất khẩu và quảng bá thương hiệu “hồ tiêu Lộc Ninh”.
Sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh chủ yếu là tiêu đen, một số hộ sản xuất tiêu trắng từ tiêu đen qua ngâm ủ, xử lý bằng hóa chất tẩy trắng; đồng thời chưa có cơ sở sản xuất tiêu trắng bằng công nghệ vi sinh hoặc sản xuất tiêu đỏ như ở Chư Sê. Điều này đã làm giảm giá trị hồ tiêu ở Lộc Ninh.
VnCharm
Nguồn tham khảo