Hồi sinh trên làng nghề nước mắm Nhân Trạch (Quảng Bình)
Hai năm sau bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, làng nghề làm nước mắm nổi tiếng ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã dần hồi sinh. Người dân phấn khởi mua tôm cá về sản xuất nước mắm, bán ra tận nước ngoài.
Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ, hàng loạt cơ sở sản xuất chế biến nước mắm ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã phải đóng cửa. Hàng trăm tấn mắm ruốc bị tồn kho kéo dài, khách hàng không dám mua ăn, các chủ cơ sở thì lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Bà Phạm thị Hởi tin tưởng, người dân sẽ tiếp tục dùng nước mắm Nhân Trạch nhiều hơn. |
Bà Phạm Thị Hởi, ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch cho biết, gia đình bà từng vay tiền ngân hàng để buôn nước mắm. Khi sự cố môi trường biển xảy ra, làm ăn thua lỗ, cạn sạch vốn liếng, gia đình đứng trước nguy cơ bị siết nhà trừ nợ. Khi tôm cá trên biển dần hồi sinh, người dân ăn hải sản trở lại thì làng nước mắm cũng dần phục hồi.
Từ đầu năm đến nay, thuyền ngư dân nào ra biển trở về cũng đầy ắp cá tôm. Bà Hởi thu mua cá cơm, cá nục, cá trích…để làm nước mắm cốt nguyên chất thơm ngon.
“Biển đã sạch lại rồi. Tôi cũng mua cá, ruốc các loại để làm nước mắm bán cho bà con dùng. Các mối bạn hàng đã bắt đầu gọi điện thoại để đặt mua hàng nên cũng mua tạm ổn”, bà Hởi nói.
Cũng như nhiều hộ khác, nước mắm bà Hởi bán ra thị trường có giá dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng/lít. Đến nay, gia đình bà bỏ tiền mua 25 tấn mắm và ruốc để chế biến, trung bình mỗi tháng bà Hởi kiếm lời trên 40 triệu đồng. Gia đình bà Hởi hy vọng công việc làm ăn sẽ lại suôn sẻ, để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Đi dọc làng biển những ngày này, nơi đâu cũng thấy người dân rộn ràng các công đoạn chế biến, hương thơm nước mắm quyện trong gió ngây ngất. Chị Hoàng Thị Tuyến, ở thôn Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch kể, một thời gian dài, dân trong thôn chẳng ai còn nhớ mùi nước mắm có vị gì.
Khi ấy, chị Tuyến đã xách từng can nước mắm đến năn nỉ các mối hàng, đại lý nhờ mua với giá rẻ, nhưng không ai chịu mua. Nước mắm nếu không được hưởng chính sách đền bù, hỗ trợ thì đem đổ ra bãi rác đầu làng.
Nghề không đủ sống nuôi con cái, chồng chị và những đứa con gái lớn thay nhau đi xuất khẩu lao động nước ngoài.
Người làm nước mắm ở Nhân Trạch đang nỗ lực mở rộng thị trường bán hàng. |
“Đầu năm đến giờ, tôi bán hết 500 lít nước mắm rồi. Làm nhiều thì bán được nhiều, còn làm vừa thì bán vừa thôi, đảm bảo chất lượng là chính. Mình làm để cho họ hàng ăn, khách, hàng xóm nghe tiếng nước mắm làm sạch thì mua ăn”, chị Tuyến cho hay.
Xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có 800 hộ dân thì ngót một nửa chuyên sản xuất, chế biến nước mắm. Trong đó, trên 50 hộ đầu tư sản xuất lớn, 10 hộ có thương hiệu và đã đăng ký thương hiệu nước mắm.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch cho biết, một số hộ dân đã đưa nước mắm đi tiếp thị, trưng bày ở bên Lào, Thái Lan để tìm kiếm mở rộng thị trường.
“Đã có thương hiệu nước mắm Nhân Nam rồi, các cơ sở sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo chất lượng. Để người tiêu dùng ghi nhận, từ đó thâm nhập vào bán ở các nhà hàng, khách sạn, các siêu thị trên toàn quốc... để phát triển làng nghề ngày càng bền vững hơn”, ông Phạm Mạnh Hùng cho biết.
Còn theo bà Hoàng Thị Hải Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Quảng Bình cho rằng, các chủ cơ sở chế biến nước mắm cần quan tâm hơn trong xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh; khắc phục được điều này thì tương lai nghề nước mắm Nhân Trạch sẽ tiếp tục vươn xa:
“Nước mắm Nhân Trạch về chất lượng thì rất tốt, tuy nhiên mẫu mã, nhãn mác và đóng gói bao bì còn chưa đạt yêu cầu. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại có hỗ trợ nước mắm Nhân Trạch rất nhiều hoạt động, như tham gia hội chợ triển lãm trong cả nước, tham gia hội nghị kết nối cung cầu, điểm bán hàng Việt, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn miền núi, tham gia thành viên sàn giao dịch”, bà Hoàng Thị Hải Vinh nói./.