Khả Năng Phát Triển Nguồn Nguyên Liệu Cho Ngành Bia Việt Nam

Ở Việt Nam, có tới 60-70% nguyên liệu cho sản xuất bia phải nhập khẩu, trong đó có malt. Theo thống kê của Hiệp hội Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam, mỗi năm ngành Bia Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 120.000 đến 130.000 tấn malt với giá 400 USD/tấn.

Ở Việt Nam, có tới 60-70% nguyên liệu cho sản xuất bia phải nhập khẩu, trong đó có malt. Theo thống kê của Hiệp hội Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam, mỗi năm ngành Bia Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 120.000 đến 130.000 tấn malt với giá 400 USD/tấn.

alt

Như vậy, lượng ngoại tệ dùng để nhập nguyên liệu là khoảng 50 triệu USD/năm. với tốc độ tăng trưởng của ngành Bia khoảng 10-12%/năm, nhu cầu malt vào năm 2005 sẽ là 185.000 tấn và năm 2010 sẽ là 235.000 tấn. Nếu giữ nguyên tình trạng nhập khẩu như hiện nay, chúng ta sẽ phải bỏ ra khoảng 60 triệu USD/năm vào năm 2005 và trên 100 triệu USD/năm vào năm 2010 cho việc nấu bia.

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng ngành Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam thành một ngành kinh tế mạnh. Do vậy, việc sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước để phát triển sản xuất các sản phẩm chất lượng cao là một chủ trương quan trọng và đúng đắn. Theo Quyết địng 28/2002/QÐ-TTg, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Tổng công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam phối hợp với địa phương nghiên cứu trồng đại mạch trong nước để thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu.

Ðiểm lại quá trình gieo trồng đại mạch

Việc trồng cây lúa mì (tiểu mạch) và đại mạch ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta với quy mô nhỏ đã có từ nhiều năm trước đây. Từ năm 1970 đến năm 1990, Nhà nước đã có chương trình trồng thử đại mạch ở Tam Ðiệp (Ninh Bình), Phú Xuyên (Hà Tây), với tổng diện tích khoảng gần 1000 ha và một số vùng khác, nhưng chưa mang lại kết quả mong muốn. Nguyên nhân là do việc trồng và sử dụng đại mạch chưa có thị trường, chưa nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng, thời tiết, đồng thời khâu quan trọng nhất là giống cũng chưa được lựa chọn cho phù hợp.

alt

Ðến năm 1999, Bộ Khoa học Công nghệ đã hỗ trợ khoảng 200 triệu cho tỉnh Cao Bằng và Viện Nghiên cứu Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam thực hiện dự án gieo trồng đại mạch để chế biến malt. Sau khi cân nhắc, lựa chọn, dự án đã hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học Vân Nam (Trung Quốc) để áp dụng giống đại mạch Trung Quốc vào Việt Nam. Vùng Vân Nam có đặc điểm khí hậu tương đối giống với tỉnh Cao Bằng, đồng thời giống đại mạch của Vân Nam là giống nhiệt đới đã được nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển trên diện rộng từ rất lâu. Vụ mùa đầu tiên đã thu được những kết quả tương đối khả quan.

Ðến vụ 2000-2001, đại mạch được trồng trên diện tích 15 ha, năng suất bình quân từ 1,5-2,5 tấn/ha, phấn đấu vụ 2002-2003 sẽ triển khai trên diện tích 40-50 ha. Sản phẩm đại mạch thu được sau khi chế biến thành malt đã được sử dụng tại xưởng thực nghiệm của Viện Nghiên cứu Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam, Công ty Bia-Nước giải khát Hải Dương và Nhà máy Bia Henniger.

Hiện nay Viện Nghiên cứu Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam cũng đang triển khai dự án tới một số tỉnhg có điều kiện khí hậu gần giống với Cao Bằng như Sơn La, Lạng Sơn và cũng bước đầu thu được kết quả.

Khả năng trồng đại mạch ở Việt Nam.

Việt Nam là vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, nhưng thích hợp cho gieo trồng đại mạch chỉ có thể là các tỉnh Bắc bộ, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Mùa đông ở miền Bắc có chế độ nhiệt thích hợp cho đại mạch nhiệt đới sinh trưởng và phát triển. Tháng lạnh nhất trong vụ trồng đại mạch ở đồng bằng có nhiệt độ trung bình là 16oC, tháng ấm nhất là 22oC, tương ứng ở miền núi là 14oC và 18oC. Ðây là ngưỡng nhiệt độ lý tưởng cho đại mạch trồng vào vụ đông ở xứ nóng ẩm, đặc biệt ở các tỉnh miền núi rét đạm nên đại nạch không cạnh tranh với các cây trồng khác. Thêm nữa, đại mạch là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, nên từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch chỉ mất khoảng 3 tháng. Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam thì diện tích thuận lợi để gieo trồng đại mạch ở đồng bằng Bắc bộ ước tính đạt 400.000 ha và miền núi là 140.000 ha. Lịch sử chọn giống đại mạch ở miền Bắc Việt Nam đã xác nhận một phần tiến bộ về giống đại mạch cho vành đai nhiệt đới. Nhiều giống đại mạch châu Âu đã được trồng thử nghiệm rộng rãi trên phạm vi miền Bắc không cho kết quả như mong muốn, dễ nhiễm bệnh và năng suất thấp. Do vậy, chỉ có thể dùng giống đại mạch nhiệt đới gieo trồng chứ không thể dùng giống đại mạch của vùng ôn đới.

Sau 3 năm tiến hành khảo sát và trồng thử nghiệm tại Cao Bằng, với sự trợ giúp về kỹ thuật của các chuyên gia Trung Quốc, một số giống đại mạch của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tỏ ra thích hợp và cho năng suất ở mức có thể chấp nhận được, 2,0-2,5 tấn/ha. Tại Sơn La, Viện Nghiên cứu Rượi-Bia-Nước giải khát Việt Nam cũng đã gieo trồng thử nghiệm trên một diện tích nhỏ và đạt năng suất cao hơn một chút khoảng 2,5-3,0 tấn/ha. Ðiều đó cho thấy quy trình công nghệ gieo trồng và sản xuất đại mạch được xây dựng và áp dụng thử nghiệm thành công tại một số vùng đã khẳng địng vị trí của loại cây trồng này trong sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp ủ men. Nhưng có một thực tế là, khi đại mạch trong giai đoạn trồng thử nghiệm với sự chăm sóc kỹ lưỡng của các chuyên gia cho năng suất như vậy thì khi phát triển đến các hộ nông dân, sản lượng lại không đồng đều, chỗ cao, chỗ thấp. Theo các chuyên gia Trung Quốc, nguyên nhân có nhiều, nhưng quan trọng nhất là nông dân Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm gieo trồng đại mạch đúng kỹ thuật. Ðể khắc phục điều này không khó, chỉ cần kiên trì nghiên cứu, không ngừng tổng kết kinh nghiệm, nhất là nghiên cứu nhiều về mặt giống và kỹ thuật, vận dụng kỹ thuật vun trồng theo đúng hướng dẫn, có thể khẳng định, những vấn đề nổi cộm về giống và kỹ thuật nhất định được giải quyết từng bước, sản lượng trên diện tích lớn cũng sẽ được nâng cao.

Hiện nay, ở Trung Quốc, hàng năm đại mạch được trồng khoảng 3,5-4,0 triệu ha, trong đó 65-70% dùng cho phát triển chăn nuôi, còn lại 30-35% dùng làm nguyên liệu cho CÔNG NGHIỆP Ủ MEN. Ở Việt Nam, nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi ngày càng tăng. Do vậy, trồng đại mạch để dùng cho sản xuất bia, hay làm thức ăn cho gia súc đều được. Ngoài ra, đại mạch còn có thể sử dụng để làm thức ăn cho trẻ em dưới dạng bột bổ sung trong thực phẩm, hoặc chế biến thành dạng cốm và thực phấm ăn liền.

Từ lý thuyết đến thực tiễn

Về lý thuyết, ngành Bia có thể thay thế khoảng 30-40% malt nhập ngoại bằng malt chế biến từ đại mạch trồng trong nước với điều kiện, chất lượng gần tương đương. Nếu chúng ta có gieo trồng đại mạch trên diện tích vài nghìn ha, cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi. Trong khi, trên thực tế, chúng ta mới chỉ trồng được vài chục ha thử nghiệm. Ðể nhân cấy và phát triển lên vài nghìn ha cần phải có một thời gian dài nhiều năm nữa. Thực ra, nhà sản xuất chúng tôi chỉ mong thay thế được khoảng 10% malt nhập khẩu là tốt lắm rồi- ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam nói. Ðể thay thế được 10% malt, ước tính chúng ta phải trồng được khoảng 6000 ha đại mạch mới đủ.

Dù sao thì, mùa đông ở các tỉnh miền núi cũng không canh tác được gì, thời gian nông nhàn nhiều mà nhà nông lại thiếu cái ăn. Do vậy, về lâu dài, tập trung đẩy mạnh trồng cây đại mạch là một giải pháp hữu hiệu vừa giải quyết được nhu cầu thay thế nguyên liệu ngoại nhập của ngành công nghiệp sản xuất bia, vừa góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo cho bà con dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc.

VnCharm

Nguồn tham khảo:

http://www.care48.com/index.php?option=com_content&view=article&id=490:kh-nng-phat-trin-ngun-nguyen-liu-cho-nganh-bia&catid=3:ban-tin-trong-nganh&Itemid=122

Bình luận của bạn