Lạ vị gỏi dưa mớp gai trộn tép thịt

  Mớp gai (còn gọi là ráy gai, rau mớp, càng tôm) là loại cây hoang dã thường mọc nơi vườn rậm, bờ bãi ven sông, chỗ đất ẩm thấp, nhiều nhất ở miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cây mớp tương tự cây môn nhưng thân cứng cáp hơn, phiến lá có nhiều rãnh sâu (giống như lá ráng).

“Hò… hơ… Thân có gai bụi gai nở rậm/ Ngăn bước quân thù tô đậm chiến công/ Một vùng sông nước mênh mông/ Củ Chi có cây rau mớp… hò… hơ… Củ Chi có cây rau mớp… chạnh lòng người đi…”.

Cứ mỗi lần nghe lời ca của bài vọng cổ do nghệ sĩ Trọng Phúc thể hiện, lòng tôi lai miên man nhớ về quê ngoại da diết; và trong tôi vẫn còn nhớ mãi món ăn được ngoại chắc chiu, dồn hết tâm sức chế biến cho chúng tôi thưởng thức. Đó là món: Gỏi dưa mớp gai trộn tép thịt.

alt

Đĩa gỏi dưa mớp gai trộn tép thơm ngon, hấp dẫn.

Tôi còn nhớ ngày xưa khi còn dưới quê, gia đình ba má tôi rất túng quẫn, sau nhà ngoại có con mương hẹp, cỏ dại mọc um tùm. Xen kẽ dưới đáy mương có một đám mớp gai mọc xanh rì, tươi tốt. Mỗi lúc thắt ngặt, khó kiếm thức ăn, ngoại thường mang rổ ra sau vườn hái rau mớp về xào mỡ chấm nước mắm chanh, tỏi ớt cho cả nhà ăn. Phần  rau mớp tươi còn dư thừa, ngoại làm dưa để ăn dần…

alt

Cây mớp gai.

Mớp gai (còn gọi là ráy gai, rau mớp, càng tôm) là loại cây hoang dã thường mọc nơi vườn rậm, bờ bãi ven sông, chỗ đất ẩm thấp, nhiều nhất ở miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cây mớp tương tự cây môn nhưng thân cứng cáp hơn, phiến lá có nhiều rãnh sâu (giống như lá ráng). Cọng lá già có nhiều gai nhọn, sắc nằm giữa thân, phải cẩn thận để tránh trầy xước khi chạm phải. Cọng lá non suôn dài màu xanh nhạt với những gai nhỏ nham nhám, và phần trên cùng, lá có màu nâu. Theo các nhà khoa học, toàn thân cây mớp gai có chứa saponin triterpin, thân rễ có chứa nhiều tinh bột. Theo y học dân gian, cây mớp gai có vị đắng chát, cay, có tác dụng tiêu viêm, giải độc, thanh nhiệt trừ thấp, lợi niệu tiêu thũng, v.v...

Dân gian thường dùng thân, rễ mớp gai chữa viêm thận phù thũng, đau nhức các xương khớp, các bệnh về gan, viêm gan nhẹ, xơ gan cổ trướng, (Theo “Tự điển cây thuốc Việt Nam” – Võ Văn Chi). Riêng, đối với các bà nội trợ miền Tây, đọt mớp gai chế biến nhiều món ăn rất hấp dẫn như: xào mỡ, xào tép, xào thịt (heo, bò…), làm dưa chua (chấm nước thịt kho, cá kho)…; nhưng ngon nhất phải kể là: gỏi dưa mớp trộn tép, thịt.

Để chế biến món này, đọt mớp khi hái về ngoại ngồi tỉ mẩn rửa sạch, cắt khúc dài cỡ 5 cm cho vào keo. Kế đến, ngoại nấu nước giấm + đường + muối cho vừa ăn. (theo tỉ lệ 1 lít giấm + ½ kg đường + 3 muỗng ăn canh muối bọt) để nguội. Cho nước giấm (đã nguội) vào ngập xăm xắp với mớp, khoảng 1 ngày sau là dùng được. Thế là, sáng hôm sau, ngoại ra chợ mua tép bạc đất + thịt ba rọi cho vào nước dừa tươi luộc chín, vớt ra dĩa, để nguội. Tép lột vỏ chẻ đôi (nếu là tép lớn), thịt ba rọi xắt miếng, củ cải đỏ xắt lát mỏng trộn chung với dưa mớp cùng rau răm. Cuối cùng, ngoại rắc đậu phộng rang giả giập lên, múc ra dĩa là xong!. Ngoài ra, ngoại còn lưu ý cho chúng tôi biết: ”Nếu dưa chưa đủ độ chua thì phải thêm nước cốt chanh + đường + nước mắm vào. Món nầy khi ăn phải kèm với nước mắm chanh, tỏi ớt, và được xem là món khai vị rất ngon!.” …
 
Ngoại tôi nay đã đi vào cõi vĩnh hằng. Một hôm vào siêu thị thấy có bán món gỏi dưa mớp gai trong bao bì được trang trí rất xinh xắn, tôi nao lòng nhớ về hình dáng của ngoại ngày xưa hái từng bó rau mớp về nhà chế biến món ăn cho chúng tôi thưởng thức, và trên tay ngoại vẫn hằn in những vết trầy sướt do gai mớp gây ra… 
 
Theo danviet
Bình luận của bạn