Nhớ nao lòng vị măng đắng quê nhà

Đúng là chẳng có sự cay đắng nào là... ngọt ngào và làm ta nhớ lâu như món măng đắng vùng núi khi mùa đông về. Đầu mùa khi những mầm măng mới nhú còn có vị ngọt xen lẫn vị đắng thế nhưng theo kinh nghiệm của người hái măng lâu năm thì cứ hễ có tiếng sấm là măng lại chuyển sang vị đắng nhanh chóng. Ngày trước dọc trên vùng cao Tây Bắc đâu đâu cũng thấy măng đắng, người dân nơi đây chỉ cần ra ngõ là đã có măng mang về nhà. Nhưng ngày nay, muốn có măng đắng bà con phải vào tận rừng sâu mới tìm được.

Đúng là chẳng có sự cay đắng nào là... ngọt ngào và làm ta nhớ lâu như món măng đắng vùng núi khi mùa đông về.

Đầu mùa khi những mầm măng mới nhú còn có vị ngọt xen lẫn vị đắng thế nhưng theo kinh nghiệm của người hái măng lâu năm thì cứ hễ có tiếng sấm là măng lại chuyển sang vị đắng nhanh chóng. Ngày trước dọc trên vùng cao Tây Bắc đâu đâu cũng thấy măng đắng, người dân nơi đây chỉ cần ra ngõ là đã có măng mang về nhà. Nhưng ngày nay, muốn có măng đắng bà con phải vào tận rừng sâu mới tìm được.

alt

Người già trong bản vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện đã được truyền từ đời này sang đời khác: “Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, ở một bản Thái nọ có một chàng trai rất tài giỏi. Nhà nghèo khó nên cha mẹ chàng đặt tên là “Khôm” – tức là đắng. Song chàng rất giỏi trong mọi việc phát rẫy, trồng lúa… Lên núi chàng là một thợ săn tài ba. Những hội vui không ai sánh nổi chàng trong nhịp “khèn”, điệu “pí”.

Ở cùng bản có nhà thống lý giàu sang, cô con gái đang độ tuổi trăng tròn. Khuôn mặt nàng như trăng rằm mùa thu, làn da trắng ngần như cánh hoa rừng thơm ngát, nên được đặt tên là “Bók” – tức Hoa. Mỗi khi nàng ngồi vào khung cửi, sợi bông thô như được thổi hồn, khung cửi bỗng reo vui trong nhịp thoi đưa, nàng “sấp đôi bàn tay đã được hoa văn, ngửa bàn tay đã thành hoa lá”. Tiếng hát của nàng trong vắt như tiếng chim rừng, như suối reo trong nắng mùa xuân.

Các chàng trai đều thầm yêu trộm nhớ. Nhưng khăn piêu nàng đã trao cho chàng Khôm tài ba. Điều đó khiến cha nàng vô cùng tức giận và tìm mọi cách ngăn trở. Biết không thể vượt qua được những trở lực của gia đình, một hôm nàng Bók và chàng Khôm cùng nhau trốn vào rừng sâu, quyết bảo vệ tình yêu trong sáng.

Thống lý vô cùng tức giận cho người nhà đuổi theo. Hai người đói, mệt, kiệt sức, đôi trai tài gái sắc nhìn nhau nước mắt dòng dòng như khắc sâu hình ảnh của nhau trong con tim ứa máu và tình yêu trắng trong chung thủy, rồi cầm tay nhau cùng nhảy xuống vực sâu. Đất bỗng dâng lên ôm trọn hai người vào lòng. Từ nấm mồ chung mọc lên một cây vầu – người Thái gọi là “mạy pao”, măng có vị đắng – tiếng Thái là “nó khôm”.

Măng đắng hầu như có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là mùa mưa - mùa măng mọc. Vào mùa này đi chợ ở các tỉnh miền núi phía Bắc bạn sẽ ngay lập tức bị choáng ngợp bởi những gùi, những đống măng xếp la liệt. Thậm chí măng đắng còn được bày bán khắp các con đường lớn nhỏ dẫn vào thành phố hay thôn bản. Mỗi mùa măng người dân lại lục tục rủ nhau vào các cánh rừng vầu để lấy măng. Vừa để ăn thay rau vừa để bán tăng thêm thu nhập.

Măng hái từ rừng, bỏ đi những bẹ lá, chẻ hay thái măng tùy theo ý thích, cho vào nồi luộc sơ qua với chút muối để giảm vị chát đắng, sau đó vớt ra ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ là có thể chế biến được. Đơn giản nhất là món măng đắng luộc chấm muối ớt mà cũng khiến bao người ăn một lần lại muốn có lần thứ hai, thứ ba. Với những người thích cái vị đắng, vị chát, thay vì luộc, người ta đem nướng măng đắng. Người sành măng đắng, ăn nướng mới thật đã.

Còn người thành thị lại chế biến thành nhiều món hấp dẫn như xào mẻ, luộc, hầm xương, hấp quấn thịt vịt hoặc thịt lợn. Mỗi món một vị nhưng dù chế biến thế nào vẫn không lẫn đi đâu được vị đắng đắng của cây măng rừng ấy.

Lạ hơn nữa là món nem măng đắng. Cái tên vừa lạ vừa quen. Người miền xuôi coi nem là món rất thông dụng, dễ làm mà lại ngon, bổ dưỡng. Nhưng nem măng đắng của người Tây Bắc lại kì công và độc đáo hơn ở chỗ họ không dùng bánh đa nem để gói mà dùng những lá măng, nhân không phải thịt lợn, tôm… mà dùng thịt gà tơ.

Muốn nem măng đắng ngon thì phải chọn măng đắng đầu mùa, vừa giòn, ngọt và hương vị thơm ngon hơn khi chế biến món ăn. Măng đắng đem về luộc chín, rồi lột lấy những tấm lá bánh tẻ mỏng, nhưng vừa mềm lại vừa dai để thay thế cho những chiếc bánh đa nem thông dụng.

Nhân của món nem măng đắng được làm từ thịt gà băm nhỏ. Gà phải là gà tơ, gà đồi, thịt mới ngọt, ngon, xương mềm. Làm sạch và băm nhỏ cả xương lẫn thịt, cùng với củ kiệu, lá hẹ và các gia vị: hạt tiêu, nước mắm. Tiếp đó là công đoạn gói nem.

Cho nhân vào từng lá măng, cuốn tròn lại cho khéo để nhân không rớt ra ngoài rồi cho vào chảo mỡ rán vàng. Để nhỏ lửa để nem không bị cháy, lật lại nhiều lần. Khi nem vàng và có mùi thơm thì gắp ra đĩa. Nem măng đắng có thể dùng để nhắm rượu, ăn với cơm đều được.

Vị hơi đăng đắng của măng, vị ngọt của thịt gà tơ, vị béo của dầu, mùi thơm của các loại gia vị sẽ tạo nên hương vị đặc trưng riêng có của nem. Người dân Tây Bắc chỉ làm nem măng đắng trong những ngày truyền thống của làng bản, nhưng nay nó đã xuất hiện nhiều hơn trong bữa ăn để quảng bá với du khách về văn hóa ẩm thực nơi đây.

VnCharm

Nguồn:

http://afamily.vn/nho-nao-long-vi-mang-dang-que-nha

Bình luận của bạn