Áo dài Huế - Những điều ít ai biết
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài Huế vẫn luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày người dân xứ Huế. Từ những bà hoàng, công chúa đến những mệnh phụ quan trong triều, những tiểu thư khuê các quanh năm trong phòng the, cung cấm ngày xưa đến các chị buôn thúng bán bưng với những gánh bún bò, cơm hến, bánh canh, những giỏ trái cây, xách bánh bèo, bánh lọc một nắng, hai sương từ mọi nẻo ngoại ô Văn Thánh, Kim Long, Nam Giao, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, lên những chuyến đò Thừa Phủ... Ai nấy đều kín đáo đến cao sang, nhỏ nhẹ đến nhẫn nhịn trong những tà áo dài Huế.
Thời Minh Mạng, để sửa đổi cách ăn mặc thiếu đồng nhất tại các miền sau giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, nhà vua ra sắc chỉ quy định y phục trên toàn quốc: Các phi tần, người hầu kẻ hạ đều mặc áo dài ngay khi vừa bước chân khỏi cấm cung. Dân gian phải mặc quần, cấm váy. Riêng với người lớn, áo dài trở thành trang phục bắt buộc khi ra đường.
Ngày ấy, áo dài Huế cũng như ở các vùng miền khác thường đậm màu và có đến 5 tà (sau này thành áo tứ thân - 4 tà). Mỗi thân trước và sau đều có 2 tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Tà thứ 5 ở bên phải, trong thân trước. Tay áo may nối dưới khuỷu tay (do ngày ấy các loại vải rộng nhất cũng chỉ đến khổ 40cm). Cổ áo cao khoảng 2-3 cm cùng tay và thân áo trên ôm sát người. Tà áo được may rộng ra từ sườn đến gấu và không chiết eo, dài đến đầu gối. Gấu áo thường võng, vạt rộng đến 80cm.
Về quần mặc cùng áo dài, phụ nữ Cố Đô thường chọn màu trắng đầy nữ tính. Riêng người trong hoàng tộc và các gia đình giàu có còn may quần chít ba (có 3 ly dọc 2 mép ngoài quần) để tạo dáng quần xòe rộng, trông yểu điệu mà cử động lại thoải mái hơn.
Đến đầu thế kỷ XX, từ khi có trường Nữ sinh Trung học Đồng Khánh (1917), nữ sinh Trung kỳ đều dồn về Huế học, áo dài trở thành đồng phục sử dụng hàng ngày. Các nữ sinh đều mặc quần trắng, áo dài tím khi đến trường, sau này đổi thành áo trắng mùa khô, xanh nước biển mùa mưa.
Đến những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, kiểu dáng của áo dài xứ Huế cũng như các vùng miền không thay đổi, tuy nhiên, màu sắc và chất liệu phong phú hơn hẳn. Một điều đáng lưu ý là áo dài xứ Huế sẽ không có kiểu dáng như ngày nay nếu không trải qua một cuộc cách tân, do một họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, chủ tiệm may Le Mur danh tiếng ở Hà Nội và Hải Phòng tên là Cát Tường khởi xướng. Ông đã đem đến Hội chợ Huế 1939 một bộ sưu tập áo dài cách điệu lối Âu châu, với 2 tà thay cho 5, cổ khoét hình trái tim (có khi gắn thêm cổ bẻ và một chiếc nơ), tay nối trên vai bồng, hàng khuy chạy dọc theo vai và sườn phải đầy khêu gợi. Thời trang mới này được phụ nữ Cố Đô tiếp nhận, tuy nhiên, do ảnh hưởng của nếp sống kín đáo, áo dài Huế chỉ cách tân trong chừng mực, bằng cách giảm số tà còn 2 và mở khuy từ vai xuống eo.
Những năm 1950, áo dài xứ Huế bắt đầu lượn eo theo thân người mặc, cổ cao hơn, vạt thu hẹp lại để tôn dáng thiếu nữ. Đến khoảng những năm 1960, các tiệm may Huế mới chít eo áo dài, tạo sức quyến rũ cho người mặc. Cuối thập niên 1950, theo mốt Sài Gòn, vai áo dài Huế lại được cắt raglan để tránh nhăn cho phần ngực và nách.
Ngày nay, chiếc áo dài xứ Huế gần như không thay đổi về kiểu dáng, dù vắng bóng hơn trong đời sống (theo nhiều người Huế, có thể do mức sống thấp hơn). Phụ nữ Cố Đô vẫn ''kín'' toàn thân với những chiếc áo dài vải không quá mỏng, vạt gần chấm gót, cổ vươn cao lượn tròn kín đáo, eo hạ thấp để giảm đến mức ít nhất khoảng lưng, bụng hở khi tà áo bay.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài Huế vẫn luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày người dân xứ Huế. Từ những bà hoàng, công chúa đến những mệnh phụ quan trong triều, những tiểu thư khuê các quanh năm trong phòng the, cung cấm ngày xưa đến các chị buôn thúng bán bưng với những gánh bún bò, cơm hến, bánh canh, những giỏ trái cây, xách bánh bèo, bánh lọc một nắng, hai sương từ mọi nẻo ngoại ô Văn Thánh, Kim Long, Nam Giao, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, lên những chuyến đò Thừa Phủ... Ai nấy đều kín đáo đến cao sang, nhỏ nhẹ đến nhẫn nhịn trong những tà áo dài Huế.
VnCharm
Theo Diễn đàn du lịch