Đậm đà hương vị măng chiên
Từ khi xa quê đến giờ, tôi đi nhiều nơi, được ăn nhiều món ẩm thực hấp dẫn, sang trọng, nhưng tôi vẫn thấy không có món nào ngon bằng món măng chiên của mẹ.
Từ khi xa quê đến giờ, tôi đi nhiều nơi, được ăn nhiều món ẩm thực hấp dẫn, sang trọng, nhưng tôi vẫn thấy không có món nào ngon bằng món măng chiên của mẹ.
ho đến bây giờ, sau nhiều năm bôn ba tìm cuộc mưu sinh, tôi vẫn không bao giờ quên cái hương vị đậm đà của món ăn dân dã này. Cái vị ngòn ngọt, thanh thanh, giòn giòn của sợi măng, vị beo béo, mặn mặn, cay cay, bùi bùi của dầu phụng, nước mắm, tiêu, ớt, đậu phụng rang, cái hương thơm của các lại rau mùi... như vương vấn đâu đây khiến lòng tôi trào dâng một cảm xúc rất khó tả.
Món măng chiên của mẹ rất hợp với những bữa cơm ngày mưa lạnh. Bên mâm cơm cả gia đình đầm ấm quây quần bên nhau sẻ chia những niềm vui, thật là hạnh phúc. Ngày trước, những bữa cơm có măng chiên, chị em tôi ăn được nhiều cơm hơn. Những lúc như thế cha tôi thường đọc câu ca dao: "Cà lùi, mít trộn, măng chiên/ Con có hư tại mẹ bạn cũ chớ phiền".
Măng chiên rất ngon, nhưng trước khi chế biến phải biết cách khử độc. Theo kinh nghiệm dân gian thì có nhiều cách khử độc. Cách thứ nhất là bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi xắt thành lát mỏng hoặc thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm rồi rửa lại trước khi chế biến. Cách thứ hai là măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại khoảng 2 - 3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước vo gạo trong vòng 2 ngày (thay nước vo gạo thường xuyên, 2 lần/ngày)...
Những cách này kỳ công, lâu có ăn. Mẹ tôi có một cách khử độc nhanh hơn, hiệu quả hơn là sau khi cắt măng, bóc vỏ, xắt thành sợi nhỏ bỏ vào nồi, cho thêm nắm lá rau ngót và nắm muối luộc qua một lần. Khi măng đã chín, nhấc xuống chắt hết nước nóng đi, đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót, xả lại với nước lạnh, tiếp tục làm như thế thêm lần nữa cho hết mùi hăng. Măng chín tới, thử đọt măng không đắng, có vị ngọt đổ ra rổ tre để nguội, vắt khô.
Công đoạn tiếp theo mẹ đặt chảo lên bếp, cho vào một lượng dầu phụng vừa phải, phi hành tím vừa vàng, đổ măng vào chiên, nêm nước mắm, bột ngọt, đảo qua đảo lại đến khi thấy măng có mùi thơm nêm nếm lại một lần nữa cho vừa miệng, rắc gia vị tiêu, ớt, hành lá thái nhỏ vào rồi tắt bếp. Xúc măng ra đĩa rắc đậu phụng rang đã giã nhỏ lên trên và trang trí cho đẹp mắt. Món này có thể ăn cùng với cơm nóng hoặc xúc với bánh tráng nướng hoặc lai rai với vài ly bia hoặc vài ly rượu trong những ngày đông lạnh giá thì không gì thú bằng. Món này không riêng gì tôi mà ở quê tôi ai cũng rất ưa thích.