Rau an toàn Văn Đức đã có thương hiệu
Trong khi nhiều vùng trồng rau an toàn của Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra thì người trồng rau ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội sản xuất không đủ bán. Do quy trình sản xuất rau được giám sát chặt chẽ từ khâu chọn giống tới chăm sóc, bảo quản nên rau Văn Đức đã có thương hiệu là rau an toàn và ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn.
Trong khi nhiều vùng trồng rau an toàn của Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra thì người trồng rau ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội sản xuất không đủ bán. Do quy trình sản xuất rau được giám sát chặt chẽ từ khâu chọn giống tới chăm sóc, bảo quản nên rau Văn Đức đã có thương hiệu là rau an toàn và ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn.
Là vùng trồng rau truyền thống để cung cấp cho thị trường Hà Nội, nhưng trước đây, do mạnh ai nấy trồng, sản xuất không theo nhu cầu của thị trường nên rau ở Văn Đức sản xuất ra khó tiêu thụ. Vài năm trở lại đây, người dân Văn Đức đã thay đổi tư duy để sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Theo đó, rau phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không dùng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng mới dễ bán và lãi cao hơn.
Theo ông Đặng Văn Phúc ở đội 5A, thôn Trung Quan, xã Văn Đức, thông qua sự hướng dẫn kỹ thuật và giam sát của cán bộ ngành nông nghiệp trồng rau an toàn phải có cách quản lý phù hợp, cứ khoảng 20-30 hộ trồng rau được chia thành một nhóm do một hộ làm nhóm trưởng. Nhóm trưởng có nhiệm vụ chịu trách nhiệm quản lý và giám sát quy trình sản xuất của các hộ trong nhóm dưới sự chỉ đạo và giám sát của cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật. Với cách làm này, rau ở Văn Đức được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn và hiệu quả hơn.
Ông Đức cho biết: “Trước kia làm rau tự do nhưng từ khi được đầu tư khoa học kỹ thuật thấy có hiệu quả hơn nên làm. Những năm gần đây thương hiệu rau của Văn Đức đã được chấp nhận trên thị trường. Người dân không nghĩ chuyện đắt, rẻ mà nghĩ tới sử dụng rau an toàn. Từ chỗ người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của mình thì mình đi theo hướng an toàn. Cũng được học tập các mô hình, xử lý các loại thuốc bảo vệ thực vật tức là dùng phân hữu cơ, vô sinh nhiều. Thuốc hoá học ít dùng vì rau không đảm bảo an toàn và sức khoẻ người tiêu dùng. Trồng rau cho hiệu quả hơn nhiều so với trồng lúa và ngô…”
Ông Đặng Văn Phúc cũng cho biết, trước đây, gia đình ông chỉ trồng hơn 3 sào đến nay đã mở rộng lên 1 ha nhưng vẫn không đủ bán. Mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Toàn xã Văn Đức hiện nay có gần 1.000 hộ trồng rau. Trong tổng số gần 290 ha đất canh tác nông nghiệp của xã Văn Đức thì diện tích trồng rau chiếm tới 250 ha, với nhiều loại từ rau ăn lá đến rau củ quả. Trung bình mỗi năm xuất ra thị trường trên dưới 20.000 tấn rau các loại. Rau của Văn Đức khi ra thị trường được chia nhỏ vào túi ni lông, trọng lương 1kg - 10kg và được được gắn tem nhãn ghi rõ xuất xứ. Vì vậy, rau Văn Đức ngày càng được người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ mạnh. Mỗi ngày có hàng chục xe tải về xã thu mua rau với khoảng 35 đến 40 tấn. Khoảng 70% sản phẩm rau an toàn của Văn Đức được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ đầu mối của Hà Nội, còn lại tiêu thụ tại các Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh khác. Rau cải thảo được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Văn Đức cho biết: “Văn Đức đã đăng ký sở hữu trí tuệ, Văn Đức chịu trách nhiệm các sản phẩm gắn tem nhãn mác của mình. Ví dụ sản xuất các hộ có sổ nhật ký và khi tiêu thụ rau tem nhãn mác ghi rõ hộ nào, đội mấy. Chính vì vậy, người tiêu dùng khi ăn sản phẩm ấy biết rất rõ nguồn gốc. Nếu chỉ gắn tem an toàn Văn Đức không thôi thì vẫn chung chung, phải ghi rõ như vậy mới gắn trách nhiệm của người sản xuất với người tiêu dùng. Có xuất xứ nguồn gốc bán dễ hơn, và người tiêu dùng sử dụng yên tâm hơn. Rau hiện nay sản xuất ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Chúng tôi sản xuất không đủ bán...”
Rau an toàn Văn Đức giờ đã có chỗ đứng trên thị trường trước hết là Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đã làm tốt công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Nhưng điều quan trọng hơn là rau sản xuất ở đây chủ yếu dùng phân vô cơ và một số loại thuốc hóa học hợp lý nên chất lượng đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Đến nay, Văn Đức là vùng rau an toàn lớn nhất của Hà Nội và được Bộ NN-PTNT chọn làm điểm về mô hình kiểm soát, quản lý theo kép kín chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ của cả nước.
Ông Phùng Xuân Việt, Trưởng Phòng kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ nhân rộng toàn mô hình này ra huyện để đáp ứng nhu cầu rau sạch của người dân Thủ đô, các tỉnh lân cận và xuất khẩu, đồng thời là hướng phát triển kinh tế của địa phương: “Chúng tôi định hướng trong thời gian tới rau an toàn sẽ là mũi nhọn chủ lực. Huyện có cả đề án phấn đấu đến năm 2015 diện tích trồng rau an toàn là 1.000 ha. Ngoài diện tích ở Văn Đức sẽ mở rộng ra các địa bàn khác như Lệ Chi, Đặng Xá, Yên Viên. Một số xã cũng được Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu cấp chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn như Đặng Xá, Yên Thường. Chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã còn lại, rồi tổ chức tập huận, chuyển giao kỹ thuật. Tập trung làm đầu mối cho người nông dân. Các siêu thị, chợ, cơ sở dịch vụ có chính sách hỗ trợ bao tiêu”.
Phát huy lợi thế vùng ven đô có bãi bồi sông Hồng, người dân Văn Đức, Gia Lâm đang giàu lên từ nghề trồng rau an toàn. Thương hiệu rau Văn Đức càng lan rộng, người dân ở đây càng thấy trách nhiệm cao hơn để giữ uy tín, sản xuất bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường.
VnCharm
Nguồn: