Thương hiệu rau an toàn Tân Đức

Với lợi thế về địa lý và khí hậu, hàng trăm hộ nông dân ở xã Tân Đức (TP. Việt Trì) đã được hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Với lợi thế về địa lý và khí hậu, hàng trăm hộ nông dân ở xã Tân Đức (TP. Việt Trì) đã được hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Không đủ rau sạch để bán

Anh Nguyễn Văn Đại, ở xã Tân Đức cho biết: “Gia đình tôi có 500m2 chuyên trồng rau, nhưng trước đây giá cả hay bấp bênh, năm nào thời tiết thuận lợi được mùa thì lại mất giá và ngược lại. Kể từ khi tham gia vào hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Tân Đức, giá bán rau đã ổn định và tăng cao hơn trước. Đặc biệt, việc tiêu thụ rất thuận tiện, giờ chỉ lo không có đủ rau sạch để cung cấp cho thị trường và không bao giờ bị ế ẩm”.

alt

Cùng tham gia vào HTX Rau an toàn Tân Đức như anh Đại, chị Cao Thị Hoan có diện tích rộng hơn với 900m2, trong đó chị trồng đủ các loại rau như su su lấy rau, lấy quả, rau bí, rau thơm, đậu các loại, mùng tơi, rau dền… “Mùa nào, thức ấy, rau gì gia đình tôi cũng có để bán. Từ khi tham gia vào HTX tôi không phải lo tiêu thụ sản phẩm nữa. Trồng được bao nhiêu là có người vào tận nhà thu mua, trừ chi phí mỗi năm cũng thu về khoảng 30 triệu đồng” - chị Hoan cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Thành – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Đức - Trưởng nhóm Dự án RAT, nếu so sánh với trước đây, việc trồng RAT chi phí cao hơn so với bình thường do giá cả vật tư, đặc biệt là các loại phân bón, dầu sinh học rất đắt. Do đó, thời gian đầu đưa ra thị trường rau khó tiêu thụ hơn vì người tiêu dùng chưa biết đến thương hiệu rau sạch. Tuy nhiên, do nhu cầu rau sạch, RAT của người tiêu dùng ngày càng cao, nên đến nay rau Tân Đức đã được người tiêu dùng lựa chọn.

Ông Phan Ngọc Kim – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Phú Thọ cho biết: “Vài năm trở lại đây, việc các loại rau có dư lượng chất hoá học hoặc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã gây tác động không nhỏ đến sản xuất của người dân. Trước những thực tế đó, tháng 8.2008, Phòng Kinh tế TP.Việt Trì đã phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng và Tổ chức VECO tiến hành dự án trồng RAT”. Dự án có 83 hộ tham gia được chia thành 2 nhóm với 40.000m2 trồng các loại như su su lấy rau, lấy quả, rau bí, rau thơm…

Thương hiệu cho vùng rau an toàn

Từ khi sản phẩm RAT Tân Đức được người tiêu dùng lựa chọn với giá bán cao hơn các vùng trồng rau khác, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng gian lận thương mại. Nhiều tư thương đã lợi dùng thương hiệu rau sạch Tân Đức, đem trộn lẫn rau của vùng khác vào để bán với giá cao, gây ảnh hưởng tới uy tín người tiêu dùng và sản phẩm rau sạch của người Tân Đức. Để giải quyết những tồn tại trên, theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Chủ tịch UBND xã Tân Đức thì việc đầu tiên là cần thiết phải xây dựng được thương hiệu riêng cho RAT, phải có bao bì đóng gói, ghi rõ địa chỉ, ngày hái, người trồng, quy trình sản xuất…

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tháng 2. 2009, TP. Việt Trì đã xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất – kiểm soát tiêu thụ RAT đến năm 2015 với những chỉ tiêu đưa diện tích trồng RAT đạt 160ha, trong đó có 50ha chuyên; xây dựng được 2 làng nghề RAT ở xã Tân Đức và Kim Đức…

Đến nay, sản phẩm RAT Tân Đức đã có thương hiệu với nhãn mác, bao bì và được tiêu thụ và quản lý theo hệ thống. Mỗi chợ đều có địa điểm chính thức để giao dịch, tiêu thụ RAT Tân Đức; các nhóm sản xuất RAT được làm chủ hoặc tham gia làm chủ ít nhất một địa điểm giao dịch và tiêu thụ RAT tại một chợ trong thành phố, góp phần đưa sản phẩm RAT tới người tiêu dùng.

VnCharm

Nguồn:

http://danviet.vn/thuong-hieu-rau-an-toan-tan-duc

Bình luận của bạn