Đồng Nai phát huy thế mạnh trồng cây bưởi
Việc chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn đang được đẩy mạnh tại tỉnh Đồng Nai, trong đó bưởi là sản phẩm chủ lực, sản lượng tăng trong năm 2020.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện tổng diện tích cây bưởi tỉnh Đồng Nai đã tăng khá nhanh do cây trồng này mang lại lợi nhuận cao. Ngoài các vùng đất bưởi truyền thống Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu còn có các khu vực khác cũng có thổ nhưỡng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây bưởi như Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất… với tổng diện tích đạt gần 8,3 nghìn ha, tăng hàng trăm ha so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, hiện có trên 5,6 nghìn ha bưởi đã cho thu hoạch với sản lượng đạt trên 59,7 nghìn tấn/năm, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2019.
Bưởi Tân Triều Đồng Nai
Nhiều trang trại bưởi đã được thành lập tại Đồng Nai, người dân trồng bưởi đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cùng với đó là tỉnh Đồng Nai cũng đã có quy hoạch cho loại cây ăn trái này, hướng tới cây trồng chủ lực và ngày càng nhân rộng.
Tại xã Bình Lợi, sản xuất nông nghiệp của xã trước đây chủ yếu là vườn tạp, những cây trồng cho lợi nhuận thấp như mía, lúa, tràm. Hiện toàn xã đã tập trung chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có múi và cây trồng cho lợi nhuận cao như cây bưởi. Đến nay, tổng diện tích trồng bưởi của xã Bình Lợi lên 231 ha và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên khoảng trên 300 ha.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bình Lợi mới đây đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh với cơ sở Hương Miền Tây, ký hợp đồng với chợ đầu mối Dầu Giây 50 ha với sản lượng 750 tấn/năm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên các vườn bưởi xã Bình Lợi cho năng suất cao, giá bán khá ổn định, được đảm bảo về đầu ra sản phẩm.
Tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi các vườn cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi xa danh, trong đó có hộ gia đình đã thực hiện mô hình đạt hiệu quả với gần 30 ha bưởi VietGAP. Mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP đang được khuyến khích nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ổn định cuộc sống cho người dân.
Tại huyện Long Thành cũng như ở một số huyện khác, lớp tập huấn, cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi cho người dân đã được tổ chức. Người dân cũng được học tập những kinh nghiệm của chủ trang trại trong sản xuất bưởi hữu cơ để ứng dụng và thực hành trên vườn của mình thông qua mô hình trồng bưởi da xanh hữu cơ của Công ty THHH Bưởi da xanh Thanh Thủy.
Tại huyện Tân Phú, cũng đã tận dụng ưu thế sẵn có để phát triển nhiều vùng trái cây ngon thuộc vào hàng đặc sản, trong đó có bưởi da xanh trồng nhiều tại các xã Tà Lài, Núi Tượng, Phú Lộc, Phú Thịnh… Tổng diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện đạt trên 1,4 nghìn ha, năng suất trung bình 17,3 tấn/ha, sản lượng đạt trên 12,4 nghìn tấn.
Riêng vùng chuyên canh tập trung ở các xã Phú Lộc, Trà Cổ, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh có diện tích 950 ha, chiếm 66,8% tổng diện tích huyện Tân Phú. Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp Tà Lài tại đây đang áp dụng mô hình trồng bưởi da xanh tiêu chuẩn VietGAP, là bước đệm để nâng cao giá trị sản phẩm cho nông sản của huyện.
Mô hình trồng cây bưởi ở Đồng Nai chủ yếu là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi. Người dân thực hiện cắt tỉa cành, điều chỉnh bón phân và tưới nước để cây trổ bông, thu hoạch đúng dịp chứ không dùng thuốc để cho ra quả trái vụ. Trồng bưởi theo phương pháp mới đem lại năng suất cao, mẫu mã đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Quy hoạch vùng sản xuất cho cây chồng chủ lực
Ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã tạo ra những sản phẩm có năng suất cao, chất lượng đồng bộ, sản lượng lớn trong khi chi phí sản xuất đã giảm đáng kể... là nhờ việc tỉnh quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cho các cây trồng chủ lực giá trị cao, mà tiêu biểu trong đó có quả bưởi. Song song đó là việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Các yếu tố về chọn lựa giống, quy trình canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp, hệ thống tưới nước tiết kiệm... được thực hiện nghiêm ngặt trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, đối với trái cây bưởi đã tăng nhanh về diện tích và sản lượng do đây là loại cây ăn trái luôn có giá cao, được người trồng bưởi quan tâm đầu tư chăm sóc cho năng suất lớn.
Nhiều đề án đẩy mạnh liên kết phát triển bền vững nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho nông sản được thực hiện như phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế tây nam của tỉnh Ðồng Nai, từ đó liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực.
Để giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản Đồng Nai đến với thị trường thế giới thì việc lựa chọn sản phẩm nông nghiệp có lợi thế là cần thiết, tiêu biểu là quả bưởi tại địa phương này để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất với quy mô lớn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế.