Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Ngày 7/10/2021, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) tại nước này đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Ngày 7/10/2021, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) tại nước này đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

“Giấy thông hành” vào thị trường khó tính

Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, đặc biệt là các thị trường khó tính… Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.

Thanh long Bình Thuận trở thành sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Trước đó, quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15/11/2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT và ngày 8/7/2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.

Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Chia sẻ về hành trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản, ông Đinh Hữu Phí cho rằng, đây là một câu chuyện dài và thú vị, giúp Cục Sở hữu trí tuệ thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác hỗ trợ các đặc sản địa phương của Việt Nam vươn ra thế giới.

"Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, Cục Sở hữu trí tuệ đã tung nhiều lực lượng, ở nhiều mặt trận để góp phần đem lại thành công cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản" - ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh, đồng thời nêu, vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp.

Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ thanh long Bình Thuận vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kĩ thuật của hồ sơ đơn và khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Vì vậy, để có thể vượt qua được “ngọn thái sơn” này, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: Hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này. Để có thể có những bước đi thuận lợi nhất, các cơ quan hữu quan đã phải tác động ở nhiều cấp, các kênh hợp tác song phương được thực hiện tích cực.

Tiếp đó, một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, có thể coi là có tính chất mở đường cho việc nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản, là Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản. Trên cơ sở Bản ghi nhớ, hai bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước còn lại.

"Thanh long Bình Thuận nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn, dựa trên tiêu chí danh tiếng, thị trường tiêu thụ, sự quan tâm của chính quyền địa phương và sản phẩm có hoạt động thương mại xuất nhập khẩu" - ông Đinh Hữu Phí nói.

Bên cạnh việc tạo dựng cơ sở pháp lý cho quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản, Cục Sở hữu trí tuệ thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) cũng hỗ trợ việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản.

Nỗ lực thúc đẩy nhanh tiến trình xét duyệt hồ sơ

Về phía địa phương, ông Văn Công Thới - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận - cho hay, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về sửa đổi hồ sơ cho phù hợp với yêu cầu phía Nhật Bản như lược bỏ đặc tính không cần thiết của quả thanh long Bình Thuận (theo khuyến nghị của FIAB); bổ sung tài liệu chứng minh danh tiếng sản phẩm.

Đăng kí chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín Thanh Long Bình Thuận

Tuy nhiên cái khó nhất, hơn cả vải thiều Lục Ngạn là yêu cầu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm. Bởi trên thực tế, chứng minh đặc tính của sản phẩm được tạo ra từ phương pháp sản xuất đã được duy trì trong ít nhất 25 năm rất khó vì không tìm được tài liệu cần thiết. Ngoài ra phía Nhật Bản còn đề nghị cung cấp các số liệu cập nhật mới nhất đối với đặc tính của thanh long Bình Thuận.

Để đẩy nhanh tiến độ và đáp ứng các yêu cầu đề ra, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã làm việc với các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các tiêu chí, đã tìm kiếm, bổ sung tài liệu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm. Theo đó, cuốn “Cây thanh long” Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1997 của PGS.TS Nguyễn Văn Kế được xác định sử dụng làm tài liệu bổ trợ.

Ngoài ra, tiến hành thống nhất với phía Nhật Bản lựa chọn đơn vị thực hiện cập nhật phân tích đặc tính sản phẩm thanh long Bình Thuận, khảo sát ý kiến người tiêu dùng, nhà phân phối thanh long Bình Thuận làm cơ sở chứng minh cho đánh giá xã hội đối với đặc tính của sản phẩm.

Ông Văn Công Thới khẳng định, nhờ có sự phối hợp của các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký đã được điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn thẩm định về: Tập thể nhà sản xuất; tài liệu chứng minh danh tiếng sản phẩm đăng ký; tài liệu chứng minh đặc tính và thực tế sản xuất sản phẩm 25 năm... tạo thuận lợi và thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xét duyệt hồ sơ đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vào Nhật Bản.

Ngoài ra, với Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 8/6/2020 phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), danh sách 39 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tự động theo hiệp định này (trong đó có cả thanh long Bình Thuận) đã được gửi tới Cục Công nghiệp thực phẩm - FIAB thuộc Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản làm căn cứ bổ sung cho nội dung danh tiếng.

"Với sự vào cuộc của nhiều ban ngành, tổ chức, cá nhân, những khó khăn này đã từng bước được giải quyết, giúp hoàn thiện các quy trình đăng ký cần thiết theo quy định của pháp luật Nhật Bản, để đến ngày hôm nay, thanh long Bình Thuận đã trở thành sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản" - ông Văn Công Thới thông tin.

Bình luận của bạn