Huyện Hoài Đức (Hà Nội): Hình thành vùng sản xuất trái cây chuyên canh, hướng tới xuất khẩu

Cây ăn quả lâu năm được xác định là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Hoài Đức (Thành phố Hà Nội). Mô hình thí điểm sản xuất chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao cho kết quả tốt và được nhân rộng, như: mô hình trồng “Nhãn chín muộn”, “Bưởi đường Quế Dương”, phật thủ Đắc Sở. Trong đó, trái nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức đã được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Malaysia, Australia, mở ra triển vọng cho các loại cây trồng đặc sản khác trên địa bàn huyện.

Phật thủ Đắc Sở huyện Hoài Đức

Nhằm phát huy ưu thế về điều kiện thổ nhưỡng, thị trường và sự liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với thương mại, dịch vụ, nguồn lực về khoa học công nghệ, nền nông nghiệp huyện Hoài Đức phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Huyện Hoài Đức đã tập trung phát triển một số loại cây ăn quả đặc sản đem lại lợi ích kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng như: Mô hình trồng nhãn chín muộn ở các xã Song Phương, An Thượng, Đông La, giá trị kinh tế mang lại 800 triệu đồng/ha/vụ; bưởi đường tại xã Cát Quế, Đông La cho giá trị kinh tế từ 600 - 800 triệu đồng/ha; 71 ha trồng rau an toàn ở xã Tiền Yên, Vân Côn cho giá trị kinh tế cao gấp 10 lần so với trồng lúa; 95 ha trồng Phật Thủ ở xã Đắc Sở cho giá trị kinh tế hơn 1 tỷ đồng/ha. Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể đối với 02 sản phẩm là “Nhãn chín muộn” và “Bưởi đường Quế Dương”. Huyện cũng đang hoàn thành thủ tục để được công nhận nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm Phật thủ Đắc Sở.

Giới thiệu một số cây trồng chủ lực của huyện Hoài Đức

Bưởi đường Cát Quế: Diện tích trồng bưởi ở xã Cát Quế đạt 85 ha, gồm 02 giống bưởi là bưởi đường Quế Dương và bưởi đường La Tinh. Thời điểm thu hoạch bưởi đường ở xã Cát Quế khá thuận lợi, sau bưởi chua và trước bưởi Diễn. Năng suất trồng bưởi đường ở xã Cát Quế đạt từ 35 - 40 tấn/ha, thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm.

Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và đúng quy trình nên bưởi đường Cát Quế cho năng suất và thu nhập cao hơn. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân tiếp cận kỹ thuật mới, nhân rộng mô hình trồng bưởi theo hướng VietGap. Hiện diện tích trồng bưởi VietGap của xã Cát Quế đạt 3 ha, trung bình cho thu hoạch từ 150 - 200 tấn.

Cây Phật Thủ Hoài Đức: Diện tích trồng cây Phật Thủ huyện Hoài Đức được mở rộng trong những năm gần đây. Năm 2010, diện tích trồng Phật Thủ trên địa bàn huyện đạt 20 ha, năm 2014  tăng lên 95 ha. Cây Phật Thủ được trồng chủ yếu tại các xã Đắc Sở và Yên Sở. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, huyện Hoài Đức mở rộng ra các xã Tiền Yên và An Thượng.

Cây Phật Thủ cho giá trị kinh tế cao, bình quân từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây Phật Thủ rất lớn, Hội nông dân Thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho các hộ nông dân tham gia dự án trồng và chăm sóc cây phật thủ và hỗ trợ cây giống, tập huấn khoa học kỹ thuật, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật.

Nhãn chín muộn: Diện tích trồng nhãn muộn tại huyện Hoài Đức đạt 97 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã An Thượng (40 ha); Đông La (20 ha), Song Phương (15 ha) và các xã còn lại 22 ha. Năng suất đạt từ 15-18 tấn/ha/năm. Mô hình thâm canh nhãn chín muộn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 - 25%, thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Năm 2013, nhãn chín muộn huyện Hoài Đức đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được Thành phố Hà Nội đưa vào Đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2012 - 2020.

Để giúp sản xuất và đầu ra sản phẩm nhãn chín muộn ổn định, huyện đã tạo điều kiện cho các xã thành lập “Huyện hội sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn” trên diện tích hơn 100 ha với 57 hội viên tham gia, đồng thời đăng ký thương hiệu “Nhãn chín muộn Hoài Đức”. Thời gian qua, hội sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn và các hộ nông dân đã thực hiện cung ứng giống, ghép cải tạo cho trang trại, hộ gia đình các huyện lân cận, các tỉnh trong cả nước trồng thí điểm.

Nhãn chín muộn huyện Hoài Đức được xuất khẩu sang các nước Malaysia, châu Âu, Australia, mở ra cơ hội cho các loại cây trồng đặc sản khác trên địa bàn huyện.

Bình luận của bạn