Vải thiều sấy khô - kẹo ngọt thơm của miền quê Bắc Giang

Như bao miền quê khác, cuộc sống thường ngày của người dân thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn có êm đềm và bình lặng của một thị trấn nhỏ thuộc một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang. Nhưng bắt đầu vào mùa vải chín, tức là bắt đầu từ trung tuần tháng năm hàng năm, cuộc sống tại đây bỗng trở lên nhộn nhịp, tập nập người mua kẻ bán, các thương lái từ các tỉnh và cả nước ngoài tập trung về đây thu mua vải thiều.

Lục Ngạn mùa vải chín

Như bao miền quê khác, cuộc sống thường ngày của người dân thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn có êm đềm và bình lặng của một thị trấn nhỏ thuộc một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang. Nhưng bắt đầu vào mùa vải chín, tức là bắt đầu từ trung tuần tháng năm hàng năm, cuộc sống tại đây bỗng trở lên nhộn nhịp, tập nập người mua kẻ bán, các thương lái từ các tỉnh và cả nước ngoài tập trung về đây thu mua vải thiều. Trên trục đường chính của thị trấn chũ, tấp nập các loại phương tiện từ xe tải trọng lớn vài chục tấn đến xe tải nhỏ, xe lam, xe máy đều được dùng để chuyên trở vài thiều ra bán tại các điểm thu mua trên ngay trên đường. Cảnh mua bán vải thiều diễn ra  nhộn nhịp với mặc cả, nhận xét chất lượng vải, ngã giá, cân, đóng thùng, trả tiền…

Trên những khu đồi, đâu đâu cũng bạt ngàn vải thiều chín đỏ, đứng trên tầm cao của mái nhà hoặc ngọn núi cao, chúng ta có thể phóng tầm mắt ra bất tận một màu đỏ trùng điệp của vải thiều vào mùa chính vụ. Vào mùa này, mọi người dân đều tập trung vào việc thu hoạch vải thiều, các hộ gia đình đều ít nhiều có trồng vài, nhà ít thì vài chục gốc vải, nhà nhiều có thể lên tới vài nghìn. Những gia đình trồng nhiều vài thường không thể tự thu hoạch vải nên nhu cầu về lao động trong mùa vải rất lớn, những người lao động tại các khu vực lân cận hoặc thậm chí từ các tỉnh khác cũng về đây thu hoạch vải.

Quả vải thiều sấy khô

Từ những năm 1993-1995, khi cây vải thiều mới bắt đầu được trồng tại Lục Ngạn, giá vải thiều tươi vào khoảng 12 nghìn đồng/1kg, đó là mức giá rất cao nếu quy đổi giá trị đồng tiền tương đương với thời điểm hiện tại. Ở mức giá đó người dân không cần lo về vấn đề tiêu thụ mà các tiểu thương thường đến thu mua ngay tại vườn. Tuy nhiên từ những năm 2000 trở về sau, khi cây vải thiểu đã được trồng phổ biến trên khắp các khu đồi thấp của các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, thì quả vải thiều, cũng giống như nhiều loại nông sản khác, khi được trồng một cách đại trà thì bài toán đầu ra với người dân trở lên phức tạp hơn bao giờ hết. Quả vải thiều chủ yếu được xuất sang Trung Quốc, vì nhu cầu tiêu thụ trong nước không cao, với sự thất thường của thị trường này, có những năm người trồng vải thiều đã phải chấp nhận mức giá bán 1.500 đến 2000 đồng/1kg, đó là mức giá chỉ đủ để trả tiền thuê lao động để thu hoạch vải.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều người dân đã bắt đầu tính đến việc sấy khô quả vải để tiêu tích trữ lâu dài và tiêu thụ sau mùa vải thiều chín. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, mô hình sấy khô quả vải thiều đã dần được phổ biến và nhân rộng ra toàn huyện. Khi giá quả vải thiều tươi xuống mức quá thấp, những lò sấy vải bắt đầu hoạt động, công suất từ vài tạ đến vài tấn/mẻ sấy, mỗi mẻ vải sấy thường kéo dài 4-5 ngày. Đây là các giải quyết rất hay với bài toán quả vài thiều thường chín và phải thu hoạch toàn bộ chỉ trong vòng một tháng, bằng cách này, quả vải thiều sẽ được cất trữ từ 1 đến 2 năm tuỳ vào độ khô khi sấy vải và điều kiện bảo quản. Quả vải thiều sấy khô sẽ được tiêu thụ khi người dân thấy giá bán phù hợp, tuy vậy, có những năm vẫn khó tìm đầu ra vì sự phụ thuộc vào các thương lái Trung Quốc.

Vải thiều sấy khô – kẹo ngọt thơm của miền quê Bắc Giang

Quả vải thiều sấy khô có vị ngọt sắc lịm của quả vải chín, có hương thơm của núi rừng, có vị bùi của quả chín. Đã từng ăn vải thiều sấy khô kể từ những năm đầu tiên mô hình này được áp dụng tại Lục Ngạn, có thể nói quả vải thiều sấy khô giống như một chiếc kẹo của tự nhiên mang lại cho con người. Bạn có thể đã từng nếm thử hương vị của nhiều loại kẹo bánh, chúng đều có vị ngọt nhưng bạn sẽ không tìm thấy hương vị của một loại kẹo từ thiên nhiên – nếu bạn chưa từng nếm thử quả vải thiều sấy khô.

Vải thiều sấy khô đã được phổ biến, tuy còn ở mức độ thấp, tại các tỉnh thành phố trong cả nước, đã có những cửa hàng đồ khô bán sản phẩm này tuy còn rất hiếm. Bên cạnh đó cũng có những người dân tại các vùng vải Lục Ngạn, Thanh Hà mang sản phẩm này từ quê ra bán tại các thành phố lớn chủ yếu qua kênh giới thiệu trên mạng hoặc gửi tại các cửa hàng. Vải thiều sấy khô nếu được truyền thông một cách phổ biến cho người dân trên cả nước thì mức độ tiêu thụ sẽ rất lớn. Tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, quả vải thiều sấy khô của Lục Ngạn rất được ưu tiên sử dụng nhưng ngay tại Việt Nam, rất nhiều người dân chưa từng nếm thử sản phẩm này. Đại đa số vải thiều Lục Ngạn xuất sang Trung Quốc đều có đích đến cuối cùng tại các thị trường thứ 3, đây là bài toán xuất khẩu đau đầu cho các nhà quản lý và các doanh nghiệp về vấn đề tìm kiếm thị trường cho quả vải thiều.

 

Quả vải khô thường được sử dụng ngay, ngày mùa đông bên ấm trà nóng là đĩa vải khô thì hương vị của nó sẽ khó phai nhạt với người thưởng thức. Quả vải thiều sấy khô bên cạnh việc sử dụng ngay còn có thể được dùng để ngâm rượu, rượu vải thiều sấy khô có vị ngọt, dễ uống, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ nếu được sử dụng một cách phù hợp. Bên cạnh dó, quả vải thiều sấy khô đã được sử dụng trong một số bài thuốc đông y hoặc làm mứt. Với hàm lượng đường, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, ăn vải thiều sấy khô có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật, bổ sung khoáng chất. Cùi quả vải có chứa nhiều hợp chất hữu ích giúp máu tuần hoàn. Trong phương pháp chữa bệnh cổ truyền của người Phương Đông, nếu ăn vải thường xuyên sẽ giúp máu tuần hoàn tốt, lợi tỳ, tốt cho người bệnh mới ốm dậy, suy nhược. Cùi vải khô là thuốc bổ nguyên khí có lợi cho sức khỏe phụ nữ và nhóm người cao niên. Theo nghiên cứu thì vải có tác dụng hạn chế tắc nghẽn mạch máu, phá hủy tế bào và giảm nguy cơ đột quỵ hơn 50%.

 
Bình luận của bạn