Ăn nên làm ra, liệu bột giặt LIX, NET có bị nước ngoài thôn tính?
Nguy cơ bị thôn tính bởi các “đại gia” ngoại luôn rình rập đối với các công ty bột giặt, chất tẩy rửa Việt Nam từ xưa đến nay.
“Hốt bạc” từ bột giặt, chất tẩy rửa Việt
Lâu nay, người tiêu dùng Việt Nam vốn quen với các thương hiệu bột giặt, chất tẩy rửa ngoại như OMO, Visco, Surf của Unilever hay Tide, Ariel của P&G. 2 thương hiệu ngoại này hiện chiếm đến trên 80% thị phần bột giặt, chất tẩy rửa tại Việt Nam.
Những thương hiệu Việt như LIX, NET không chỉ đang phải chia sẻ 20% thị phần còn lại với các thương hiệu đến từ Thái Lan, Pháp, Malaysia… mà còn với chính các đối thủ Việt như Mỹ Hảo, Vì Dân… Chính vì cạnh tranh khốc liệt như vậy nên ít người nghĩ rằng LIX, NET có thể ăn nên làm ra từ những sản phẩm mang thương hiệu Việt của họ.
Sự thật là LIX, NET đang “hốt bạc” từ thị trường bột giặt, chất tẩy rửa Việt Nam.
Theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của CTCP Bột giặt LIX, mặc dù doanh thu thuần của công ty này chỉ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ 2014 nhưng lợi nhuận sau thuế 2015 của LIX lại tăng vọt 126% so với cùng kỳ 2014, đạt mức 181 tỷ đồng.
Hoạt động bán hàng chiếm 88% doanh thu nhưng lại đem về 95,26% lợi nhuận cho LIX trong năm 2015; tiếp đến là hoạt động gia công với 7% doanh thu đem về 4,31% lợi nhuận; còn lại là hoạt động khác.
CTCP Bột giặt NET cũng không chịu thua kém khi theo như Báo cáo tài chính kiểm toán 2015, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt mức 86,7 tỷ đồng, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Năm 2015, doanh thu của NET đạt mức 784,3 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán hàng nội địa hiện chiếm 67,4%, tiếp đến là xuất khẩu với 24,4%, gia công với 4,3% và nguồn khác với 3,9% còn lại.
Kết quả kinh doanh cực kỳ khả quan đã đẩy giá cổ phiếu của LIX và NET tăng rất mạnh trong 1 năm vừa qua. Cụ thể, mức giá điều chỉnh của mỗi cổ phiếu LIX thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 22/06/2015 là 34.800 đồng. Sau 1 năm, tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 22/06/2016, mức giá điều chỉnh mỗi cổ phiếu LIX đã vọt lên mức 91.000 đồng. Nghĩa là chỉ sau 1 năm, mức giá cổ phiếu LIX đã tăng tới 161%.
Cổ phiếu NET của CTCP Bột giặt NET cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 22/06/2015, mức giá của mỗi cổ phiếu NET là 26.800 đồng. Còn tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 22/0/2016, mức giá mỗi cổ phiếu NET đã là 57.900 đồng. Như vậy, sau 1 năm, giá cổ phiếu NET đã tăng 116%.
Nguy cơ thâu tóm từ các “đại gia” ngoại
Không khó để kể ra các thương hiệu bột giặt, chất tửa rửa Việt đã rơi vào tay các công ty nước ngoài, trong đó chủ yếu là rơi vào tay 2 “đại gia” Unilever và P&G. Điển hình là 2 thương hiệu bột giặt Việt lừng lẫy một thời VISO và HASO đã nhanh chóng bị Unilever thâu tóm. Số phận tương tự cũng đã xảy ra với thương hiệu lâu đời xà bông Cô Ba.
Cũng không trách được các công ty, thương hiệu Việt này bởi sức mạnh tài chính và sự lọc lõi trên thương trường của Unilever và P&G là quá lớn. Họ thâu tóm thương hiệu Việt không chỉ là để biến thương hiệu Việt thành thương hiệu của họ mà còn để loại đi các đối thủ tiềm năng trên thị trường.
Việc LIX, NET ngày càng lớn mạnh rõ ràng đang tạo ra sự đe dọa nhất định cho thị phần của Unilever và P&G. Nguy cơ Unilever và P&G sử dụng chiêu bài cũ là “thâu tóm” hoàn toàn có khả năng xảy ra, nhất là khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang nắm giữ tới 51% cổ phần của LIX và NET; nếu Vinachem thoái vốn theo diện phải thoái vốn Nhà nước thì rất có thể Unilever và P&G sẽ ngay lập tức nhảy vào.
So găng giữa 2 đối thủ ngoại là Unilever và P&G thì rõ ràng Unilever có lợi thế hơn, bởi cả LIX và NET hiện đang là đối tác gia công của Unilever.
Liệu rằng 2 thương hiệu Việt là LIX và NET có thể giữ mình khỏi sự thôn tính của các “đại gia” ngoại sừng sỏ như Unilever và P&G hay không?