Bình Định: Trầm lắng nghề dệt thảm xơ dừa
Không chỉ nổi tiếng về những món đặc sản gắn liền với dừa, Thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn còn được mọi người biết đến với làng nghề truyền thống dệt thảm xơ dừa. Những tấm thảm có mẫu mã đẹp, phong phú, độ bền cao, thân thiện với môi trường, từng được rất nhiều người tiêu dùng trong nước và ngoài nước ưa chuộng.
Ra đời từ những năm 30 của thế kỷ XX, nghề dệt thảm xơ dừa vốn là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Anh Huỳnh Minh Tình (SN 1987) - Chủ cơ sở sản xuất Ngọc Chung, cơ sở sản xuất thảm xơ dừa lớn nhất tại đây cho biết: “Ngày trước, bà con nơi đây sống nhờ nghề này thôi, mỗi nhà đều có ít nhất 2 khung để dệt, từ cụ già đến em nhỏ, ai ai cũng làm, đông vui lắm. Thảm dệt xong được phơi tràn lan, phơi hết sân nhà cho tới tận bãi biển”.
Ngày trước, khi chưa có máy móc, để làm nên những tấm thảm xơ dừa tuyệt vời nhất, những công đoạn đều làm bằng tay. Nguyên liệu sản xuất là vỏ quả dừa khô, sau khi đập tưa, được ngâm nước một ngày một đêm cho nhựa ra hết và xơ dừa no nước thì vớt ra giũ sạch những hạt cám, còn lại những sợi cước xơ dừa nhỏ, chuẩn bị cho công đoạn tiếp sợi. Những người thợ tiếp sợi phải có đôi bàn tay khéo léo và lối di chuyển mềm mại. Sợi được tiếp xong sau đó giăng thành trục và chuyển sang bước dệt thảm. Đây chính là giai đoạn khó nhất đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng cao. Người thợ phải là người dày dặn kinh nghiệm, lành nghề nếu không rất dễ làm đứt các sợi dừa. Sau khi dệt thành phẩm, các tấm thảm xơ dừa được may lại hai đầu, làm sạch, in hoa văn và cuối cùng là đóng gói. Nhờ vào sự phát triển công nghệ, các xưởng sản xuất được đầu tư máy móc tiên tiến hơn, những giai đoạn như: đập vỏ dừa lấy sợi cũng trở nên thuận lợi, giảm được sức lao động cho người dân.
Thảm xơ dừa Tam Quan Nam được thị trường trong nước tiêu thụ khá mạnh như: Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Thuận… Không những thế mặt hàng này còn được xuất khẩu ra nước ngoài Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và các nước Đông Âu. Đó là thời kì hoàng kim của làng nghề này. Những năm gần đây, nghề dệt thảm xơ dừa ở xã Tam Quan Nam lâm vào cảnh khó khăn vì nguồn vốn eo hẹp cũng như không có đầu ra. Trong thời gian dài không thể tìm cách khắc phục, những người theo nghề dần càng giảm, phần lớn họ chuyển sang những ngành nghề khác có thu nhập cao hơn.
Hiện nay, trên địa bàn Tam Quan Nam, chỉ còn vài cơ sở sản xuất, số lượng thợ cũng chỉ vài chục người. Không còn hình ảnh mọi người quay quần bên nhau kéo từng sợi cước trong tiếng nói cười rôm rả, hay những tấm thảm được phơi kín hết mặt đường. Không chỉ thiếu nguồn vốn mà thị trường tiêu thụ cũng là lý do kiềm hãm sự phát triển của làng nghề này.
Anh Huỳnh Minh Tình chia sẻ: Dù vấp phải nhiều khó khăn, nhưng anh vẫn kiên trì với hi vọng giữ gìn làng nghề của ông cha ta để lại và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
“Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”. Rất mong, trong thời gian tới các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định có sự hỗ trợ kịp thời để anh Tình cũng như người dân nơi đây có thể gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống này.