Vạn Phúc, gìn giữ thương hiệu làng nghề

Mỗi khi nhắc đến làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông dường như ai cũng dành cho làng lụa một tình cảm đặc biệt bởi lụa Hà Đông đã khắc sâu vào tâm trí mọi người trong những câu thơ, bài hát, trong hình ảnh người con gái thướt tha áo lụa Hà Đông.

Mỗi khi nhắc đến làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông dường như ai cũng dành cho làng lụa một tình cảm đặc biệt bởi lụa Hà Đông đã khắc sâu vào tâm trí mọi người trong những câu thơ, bài hát, trong hình ảnh người con gái thướt tha áo lụa Hà Đông.

alt

Cùng với các làng nghề truyền thống khác của Hà Nội như Bát Tràng, mây tre Phú Vinh… làng lụa Vạn Phúc đang hướng đến phát triển theo mô hình làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch. Với lịch sử làng nghề dệt lụa lâu đời cùng với vị trí địa lý thuận lợi về giao thông thì đây là thế mạnh trong quá trình phát triển làng nghề.

Về Vạn Phúc vào một ngày cuối tuần, khi làng lụa đã thay đổi ít nhiều theo quá trình đô thị hoá, đường sá thuận tiện từ trung tâm thủ đô khiến khoảng cách dường như gần hơn. Vẫn giếng nước và cây đa ngay đầu làng, có thay đổi chăng là nhà cửa mọc lên san sát và các con phố tơ lụa với nhiều cửa hàng ngày càng sầm uất hơn.

Sản phẩm lụa Vạn Phúc hiện nay đã có mặt trên thị trường cả trong và ngoài nước, trong hành lý của người Việt khi ra nước ngoài và là nơi tìm đến của khách du lịch khi tới Việt Nam. Mặc dù Hà Nội đã có riêng con phố Hàng Gai chuyên bán mặt hàng tơ lụa nhưng khách du lịch vẫn tìm đến tận nơi để cảm nhận được sự mượt mà của lụa từ chính ngôi làng làm nên nó. Ngoài các loại tơ tằm như vân, sa, quế, sa tanh hoa các loạiđủ màu sắc thì sản phẩm từ lụa vô cùng đa dạng, từ quần áo, túi xách, ví cho đến khăn quàng… mỗi sản phẩm đều có một nét riêng từ kiểu dáng tới hoa văn. Người Vạn Phúc cũng rất thức thời, bởi vậy con phố tơ lụa đầu làng xen lẫn biển hiệu tiếng Việt còn có biển hiệu tiếng Anh, tiếng Nga dành cho khách đến.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, làng lụa Vạn Phúc cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng hàng lụa nhái xuất xứ từ Trung Quốc tràn về với giá cả chỉ bằng non nửa đã khiến thương hiệu làng lụa bị ảnh hưởng ít nhiều. Một số cửa hàng trộn lẫn hàng nhập từ nơi khác khiến khách hàng khi đến Vạn Phúc có chung tâm lý không phải mua được những sản phẩm dệt cho chính làng làm ra. Để phân biệt được lụa nào là lụa chính gốc, lụa nào là lụa được nhập từ nơi khác đối với khách hàng đó cũng là điều không dễ dàng.

Bên cạnh đó, số máy dệt của làng hiện đã không còn được nhiều như trước (trước đây có khoảng 1000 máy dệt), các xưởng dệt vẫn hoạt động nhưng sản xuất cầm chừng, sản phẩm lụa dệt ra đa phần là lụa hoa trắng (sản phẩm mộc) rồi mới đem nhuộm thành các màu, từ đó tạo thành các mặt hàng khác nhau, nhiều công đoạn sản xuất thủ công khiến sản phẩm sản xuất ra tuy chất lượng bảo đảm nhưng để cạnh tranh về giá cả với hàng trôi nổi từ nơi khác nhập về lại là một vấn đề đe dọa đến thương hiệu làng nghề. Nguyên liệu dệt cũng thường nhập từ nơi khác về, nguyên liệu trồng tại chỗ của làng giờ còn rất ít do ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hoá.

Một điều cũng dễ nhận thấy, các sản phẩm sản xuất từ làng nghề nhưng hiếm có sản phẩm nào in nhãn mác nơi sản xuất, trong khi nhãn mác lại là một yếu tố tạo nên thương hiệu. Nguyên nhân là do sự trà trộn của các sản phẩm không từ làng nghề, còn sản phẩm làm từ làng nghề ngoài lụa dệt có in biên vải nơi sản xuất, các sản phẩm khác qua các giai đoạn sản xuất khác nhau, từ nơi dệt, nơi tạo thành sản phẩm… qua nhiều công đoạn nên việc gắn nhãn mác vẫn là việc còn bỏ ngỏ.

Những người tâm huyết với nghề dệt truyền thống đều biết đến những vấn đề trên. Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc đã ra đời được hơn 10 năm với mục tiêu giữ gìn và phát triển được thương hiệu làng nghề bền vững. Để giữ gìn được nghề của làng, vấn đề cốt lõi là ý thức của con người vì không phải hộ kinh doanh nào cũng chạy theo lợi nhuận trước mắt, vẫn còn rất nhiều hộ gia đình nghề nối nghề qua từng thế hệ, đang giữ gìn, duy trì và phát huy nghề dệt truyền thống của làng.

Vì vậy, nếu các hộ sản xuất, kinh doanh nhận thức được thế mạnh của làng nghề mình, họ sẽ có ý thức bảo vệ để nó không bị mai một. Một trong các việc đó chính là các cửa hàng chỉ bán sản phẩm lụa Vạn Phúc do làng sản xuất ra, đồng thời phân biệt được cho khách hàng sản phẩm lụa truyền thống và lụa từ bên ngoài, dẫu có sự chênh về giá cả nhưng chất lượng lụa dệt được đảm bảo.

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, làm thế nào để lụa vẫn giữ vững được thương hiệu truyền thống là vấn đề trăn trở mà cả Hiệp hội làng nghề, những nghệ nhân dệt của làng và các hộ gia đình tâm huyết vẫn đang và tìm hướng để giữ vững nghề gia tuyền lâu đời.

VnCharm

Nguồn:

http://thanglong.chinhphu.vn

Bình luận của bạn