Làng lụa Quảng Nam

Trong các nghề thủ công truyền thống đã làm nên diện mạo cho vùng đất Quảng Nam, nghề nuôi tằm - dệt lụa đã tạo ra một thứ hàng hóa tơ lụa có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn mang đậm bản sắc văn hóa.

Trong các nghề thủ công truyền thống đã làm nên diện mạo cho vùng đất Quảng Nam, nghề nuôi tằm - dệt lụa đã tạo ra một thứ hàng hóa tơ lụa có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn mang đậm bản sắc văn hóa. Theo Lê Quý Đôn, trong “Phủ biên tạp lục”: “…xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc, đoạn, lĩnh, là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông…”. Thông qua các hoạt động giao thương trên biển, khởi đi từ thương cảng Hội An, mặt hàng tơ lụa xứ Quảng đã có mặt ở nhiều nước, được khách hàng ưa chuộng…

alt

Sự đời dâu bể, nghề lúc thịnh lúc suy, những năm gần đây, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề ươm tơ - dệt lụa của Quảng Nam bị mai một dần. Những diện tích cây màu như ớt, thuốc lá, dưa hấu cứ thay thế dần những triền dâu xanh ngắt dọc bờ sông Thu Bồn. Vùng quê Duy Xuyên, Đại Lộc vốn là cái nôi của nghề dần vắng tiếng thoi...

Mô hình phục hồi làng nghề truyền thống thông qua dự án văn hóa - du lịch của doanh nhân Lê Thái Vũ và bạn bè, được triển khai xây dựng trên diện tích 2,1 ha, cách trung tâm phố cổ Hội An chưa đầy 1 km( tại Phường Tân An,TP Hội An). “Làng Lụa” với một không gian bảo tàng lưu giữ, tái tạo nghề trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ dệt lụa đang từng bước được hoàn thiện. Nơi đây lưu giữ các nguồn gien dâu tằm, giống tằm và bảo tồn các quy trình sản xuất lụa truyền thống, đồng thời là địa chỉ du lịch mới của thành phố cổ, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa nghề truyền thống và trang phục tơ lụa Hội An xưa…

alt

Từ tháng 7-2012, làng bắt đầu vận hành thử nghiệm hoạt động. Đến nay, chỉ sau gần ba tháng, “Làng Lụa” đã đón hàng trăm lượt du khách, phần lớn là du khách nước ngoài. Ông Paul Huetz, quốc tịch Pháp, cảm nhận: “Quả không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp ở đây một không gian làng nghề truyền thống của Việt Nam thật sống động…Du khách dạo chơi trên những lối nhỏ quanh co dẫn ra khu vườn dâu, vào các căn nhà cổ - nơi các cô gái đang diễn cảnh cho tằm ăn, dệt lụa; rồi tìm hiểu 40 loại dâu có nguồn gốc của người Chăm, các loại khung dệt cổ Chăm, Việt, các loại tằm cái kén, xem trưng bày 100 bộ trang phục Việt cổ; nghe kể chuyện về bà chúa Tằm tang, cô thôn nữ làng lụa đi hái dâu bên Sông Thu Bồn, gặp Thế tử Nguyễn Phước Lan, con của Chúa Sãi và đã trở thành con dâu nhà Chúa với tên gọi Đoàn Quý Phi…Giữa khung cảnh ấy là miên man lắng sâu những điệu hò xứ sở ngàn đời miền Trung…Để không chỉ thấy ở đây nét độc đáo từ những ý tưởng của dự án, càng quý hơn tâm huyết về sự hồi sinh làng nghề của những người con nặng tình quê.

Sinh ra ở Đại Hồng( Đại Lộc) trong một gia đình nhiều đời gắn với nghề tằm tang, ngay từ khi tốt nghiệp trường kinh tế (năm 1992), doanh nhân Lê Thế Vũ luôn trăn trở về nghề tơ lụa truyền thống quê hương. Dự án Làng Lụa là kết quả ấp ủ hàng chục năm trời của Vũ. Theo anh “Từ dự án văn hóa làng nghề này, tôi muốn tạo điều kiện để du khách được trải nghiệm các hoạt động: cho tằm ăn; mặc đồ truyền thống chèo thuyền hái dâu, nghe tiếng hát của các thôn nữ, thưởng thức những món ngon đặc sản địa phương, nhất là món được chế biến từ nhộng tằm và nếu có nhu cầu, khách sẽ mua sắm các sản phẩm tơ lụa “chính hiệu” tại làng…

alt

Tất cả, chỉ để cảm nhận sâu hơn bề dày văn hóa của một nghề truyền thống xa xưa. “Làng Lụa” sẽ là điểm đến, hội tụ những suy nghĩ, kiến giải của các nhà văn hóa, văn nghệ, doanh nhân - những người yêu và mong muốn “chung tay” hồi sinh, phát triển nghề tơ lụa truyền thống.

Hy vọng những hoạt động của Làng Lụa sẽ tác động tích cực đến sự phục hưng nghề tơ lụa Quảng Nam. Được biết “chỗ dựa” của dự án Làng Lụa là Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam (Quảng Nam Silk) mà Lê Thái Vũ đang là người điều hành. Công ty ra đời nay đã 11 năm, được xây dựng dựa trên truyền thống trồng dâu nuôi tằm của tỉnh Quảng Nam. Công ty là một tập hợp của nhiều nhà sản xuất tơ tằm từ tỉnh Quảng Nam và các nghệ nhân thêu tay của TP Hồ Chí Minh; sản phẩm tơ tằm của công ty cung ứng thị trường trong nước và quốc tế với tổng công suất đạt từ 3500m-400m/tháng…Theo Lê Thái Vũ, cùng với việc tập trung hoàn thiện và nâng cao các hoạt động của “Làng Lụa”, anh và các cộng sự đang triển khai những việc chung quanh kế hoạch phát triển nghề ở các làng dệt trong tỉnh.

Anh nhấn mạnh: “Làng Lụa” chỉ như sự gợi mở bắt đầu cho một hướng đi. Muốn hồi sinh và phát triển nghề này, còn rất nhiều việc cần làm, phải làm và rất cần được sự góp sức từ nhiều phía…Mà trước tiên, bên cạnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xây dựng, đăng ký, quảng bá thương hiệu sản phẩm tơ lụa Quảng Nam, Nhà nước có chính sách khuyến khích các DN tơ tằm liên doanh, liên kết với các vùng trồng dâu không chỉ trong tỉnh Quảng Nam mà mở rộng ra các tỉnh có điều kiện địa lý thích hợp, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất, chế biến; có chính sách ưu đãi phát triển nghề, để người làm nghề có thể sống được bằng nghề, đồng thời mang lại lợi ích chung cho quê hương.

alt

Nhà nước cũng cần ban hành quy chế giám sát chất lượng, quản lý giá kén, nhập nhập ngoại trứng tằm; hỗ trợ nhân giống cây dâu, con tằm truyền thống, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định, hạn chế tối đa việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu…

Về phía DN, QuangNam Silk sẽ tập trung vào hai việc: từng bước xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm tơ lụa theo hướng “phong cách sống xung quanh tơ lụa”. Lời giải ở đây sẽ được bắt đầu từ việc tìm và nhân giống cây dâu, con tằm truyền thống; kế đó là việc nâng cao tay nghề dệt lụa với kỹ thuật thủ công, tinh xảo, nâng cao hàm lượng văn hóa trong sản phẩm;v.v…

Để phục hưng nghề tơ tằm, nhiều nhà khoa học, quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp. Tuy nhiên giải pháp được cho là hữu hiệu nhất, được nhiều người quan tâm vẫn là phải gắn nghề tơ tằm với phát triển du lịch và dùng du lịch làm đòn bẩy. Trong ý nghĩa ấy, dự án“Làng Lụa Quảng Nam” với những kết quả bước đầu cho thấy đây là một cách làm phù hợp.

VnCharm

Nguồn: Theo Mai Trung

http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/th-ng-hi-u/lang-l-a-qu-ng-nam-1.368780

Bình luận của bạn