Về xứ tơ lụa Tân Châu – An Giang
Lụa Tân Châu (An Giang) từ lâu đã nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài. Không biết nghề tầm tang, canh cửi, tơ lụa ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng nói về nghề dệt thủ công cổ truyền của Việt Nam thì Hà Đông ở phía Bắc và Tân Châu ở phía Nam xưa nay vẫn được coi là hai trung tâm dệt lớn nhất…
Hơn nửa thế kỷ trước, thuở còn học vỡ lòng, tôi được nghe địa danh Tân Châu, Hồng Ngự nổi tiếng nghề trồng dâu nuôi tằm, quay tơ dệt lụa và những câu ca thật là tình tứ:
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ
Quay tơ phải giữ mối tơ
Dù năm bảy mối cũng chờ mối anh.
Tân Châu, Hồng Ngự với làng nghề truyền thống, sản xuất thủ công, nổi tiếng hàng vải lãnh mỹ A, vải ni-lông, sa-ten nhuộm mặc nưa bóng láng. Đó là sản phẩm, là mặt hàng từng thịnh hành trên thị trường, gắn liền bao công sức những anh chàng thợ nhuộm qua câu ca dao dân gian còn nhiều người thuộc:
Khoai lang chấm muối ăn bùi
Lấy chồng thợ nhuộm bay mùi mặc nưa.
Trong chuyến đi thực tế cùng đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau về xứ tơ lụa Tân Châu gợi tôi nhớ những câu ca xưa về quê hương xứ sở một thời vang bóng.
Và những suy nghĩ, tìm đâu ra cảnh ngồi quay tơ, dệt lụa như hình ảnh cũ khi công nghệ máy móc hiện đại đã thay thế toàn bộ sức lao động của con người.
Vốn nguồn gốc địa phương, anh Hai Chiến, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Châu Đốc và Nhà thơ Trúc Thanh Tâm thân quen, đưa đoàn đến tham quan Cơ sở se tơ Bảo Trọng ĐK thuộc phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu (An Giang) và được anh Nguyễn Minh Cảnh (Ba Cảnh), người trông coi quản lý cơ sở này vui vẻ tiếp nhiệt tình.
Anh Ba Cảnh, 70 tuổi, là giáo viên cấp 2, là hoạ sĩ, hội viên Hội Văn nghệ thị xã Tân Châu. Thoạt nhìn anh, dáng người trung trung mập mạp, đôi mắt lồ lộ, gương mặt hao hao, chỉ cần hoá trang vài nét có thể đóng vai một ông giáo sư nổi tiếng chuyên về văn nghệ.
Anh Ba Cảnh cho biết, anh nhận làm ở đây vì tình cảm, giúp cho em của anh tạo dựng cơ ngơi này. Anh cẩn thận nói rõ: Cơ sở này gọi đúng tên của nó là Bảo Trọng ĐK như bảng hiệu ở phía trước.
Anh hướng dẫn tốp anh em văn nghệ sĩ Cà Mau tham quan từng công đoạn. Đầu tiên lên tầng cao, đây là công đoạn làm ra một sợi thô, rồi sau đó sẽ làm ra tiếp đến 10 mối. Một sợi tơ nhỏ nhất cũng là 8 mối.
Cơ sở được trang bị máy se tơ của nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Hơn 100 công nhân. Ở ngoài kia - dãy bìa trước khoảng 60 người. Anh Ba Cảnh kể về nguyên liệu truyền thống nghe mê lắm: Nuôi tằm cho tơ đẹp nhất là ở Đức Trọng - Lâm Đồng. Thức ăn cho tằm chủ yếu là dâu, 20 ngày, nên có câu: "Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng".
Anh cho biết, tơ mua bên Trung Quốc, Uzbekistan, Liên Xô (cũ). Bán ra ở Thái Lan, Lào, Campuchia... Tơ tốt nhất là ở Nhật. Việt Nam tơ đẹp nhưng chất lượng không bằng.
Một tốp anh em trong đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau tham quan 6 giàn khung cửi se tơ đang hoạt động ầm ĩ. Thời sản xuất thủ công không sao sánh kịp phương tiện máy móc tự động hoá ngày nay. Mỗi giàn khung cửi chỉ thấy bóng một người đứng máy. Anh Ba Cảnh nói: 1 kg tơ thô từ 700.000-900.000 đồng. Sợi tơ thô mua về mỗi bó 5 kg. Tơ phải ngâm hoá chất, phơi sấy cho khô mới đem lên máy.
Lương công nhân mỗi tháng từ 1,5-3 triệu đồng, tuỳ theo làm 1 buổi, 2 buổi hay 3 buổi.
Tôi theo chân anh Ba Cảnh ra dãy nhà bìa. Đây là nơi cho ra thành phẩm, đóng bao bì, mỗi bao bì 5 kg (75 con) xuất khẩu qua Nhật, như gia công cho Nhật về se tơ.
Tôi liên tưởng đến chiếc áo mình đang mặc, có khi từ Cơ sở se tơ Bảo Trọng ĐK này làm ra cho những nhà máy dệt ở bên Nhật, bên Thái Lan hay ở nhà máy nào đó dệt thành những cây vải đưa ra thị trường mà tôi từng chọn lựa màu sắc cho thợ cắt may nhiều chiếc áo ưng ý. Vải vóc làm đẹp cho đời, không thể thiếu đối với con người trên thế giới này. Thật thú vị quá chứ.
Xe của đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau ra thị xã Tân Châu trên đường phố cặp bờ sông Tiền. Dừng nơi khuôn viên hoa kiểng Pa-nô cửa ngõ thị xã Tân Châu, 2 mặt đường phố trên bờ và từ dưới sông nhìn lên. Xa xa đằng phía bờ có một chiếc phà chậm rì đang qua sông. Nghe tiếng kêu hỏi, có người cho biết phà Thường Phước sang bên kia bờ là thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Thật đây rồi, Tân Châu, Hồng Ngự chỉ cách nhau một dòng sông Tiền, nhưng gắn liền quê hướng xứ sở nổi tiếng của những làng nghề tơ lụa ngày xưa.
VnCharm
Nguồn