Thơm nồng bún chay Huế

Thỉnh thoảng nếu ngán thịt, cá bạn có thể đổi món với bún chay Huế, dùng làm điểm tâm hay ăn chơi đều ngon. Phụ nữ Huế phần nhiều đều biết làm món bún chay. Nét độc đáo của bún Huế chính là món này.

Hấp dẫn bún chay Huế

Chạy ù ra chợ, mua đậu hũ đã cắt thành từng khuôn nhỏ, về chiên với dầu thật nóng, cho đến khi vàng, vớt ra, để ráo dầu. Nấm đông cô, nấm hương ngâm trong nước ấm khoảng 30 phút, cắt miếng nhỏ. Mì căn cũng thái thành miếng vừa ăn, ướp đường, nước tương, bột nêm chay xong để khoảng một giờ cho thấm. Đun nóng chảo với dầu, cho boa-rô vào trước, sau đó cho tất cả mì căn, đậu hũ, nấm đông cô hay nấm hương vào sau, nêm gia vị và xào đều cho thấm.

Măng khô đã ngâm nước ấm, xả sạch, rồi luộc độ 20 phút vớt ra rửa lại bằng nước lạnh, rồi đem luộc như thế lần thứ hai cho đến khi mềm, vắt khô nước, chỉ chọn những phần non cắt thành miếng ướp với gia vị.

Bắc nước sôi, cho măng vào hầm, kế đó cho đậu hũ, mì căn và nấm, đợi sôi lại và nêm nếm cho vừa miệng, rồi tắt lửa. Khi ăn, trước hết bỏ bún vào tô, múc nước súp có măng, nấm, đậu hũ, rắc tiêu, ngò, nêm lại vừa ăn. Thư thả bỏ nấm rơm, cải bắp thảo và cải ngọt, bấy giờ tô bún chay kiểu Huế trông thật hấp dẫn! Nước trong, khoe những sợi bún trắng nằm xếp lớp dưới những lát đậu chiên màu vàng đỏ, điểm vài miếng mì căn đường vân màu nâu nhạt, ôm lớp nấm trông như nhụy hoa, ở giữa nổi bật trên nền xanh của hành ngò, cần tây xắt khúc là vài lát ớt đỏ, được quyện quanh bởi lớp váng của tinh dầu sả.

Mùi thơm của nấm, vị cay của ớt từ từ, nhẹ nhàng lan tỏa khiến những ai ngồi trước tô bún, dù chưa ăn, cũng phải thích thú. Bát bún chay nóng hổi, khuôn đậu chiên giòn, mùi thơm của nước dùng, của hành lá, hạt tiêu…tất cả rất phù hợp với tiết trời se lạnh. Món ăn này đảm bảo lượng chất đạm cần thiết, mà không có chất béo.

Loanh quanh thăm Huế vào những ngày rằm, mồng một âm lịch, khách không khỏi ngạc nhiên và thích thú trước cảnh những quán bún “mặn” bình thường bỗng chốc hóa thành quán bún chay hấp dẫn, độc đáo.

Bình luận của bạn