Quyết tâm giữ nghề truyền thống

Bà Lê Thị Lợi cho biết: “Thực tế là người dân chúng tôi luôn tâm huyết với việc gìn giữ tiếng thơm của làng nghề. Lâu nay mặc dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã cố gắng tự thân vận động. Việc chuyển giao công nghệ đã bước đầu giúp cho việc sản xuất thuận tiện hơn. Tôi hy vọng từ nhiều nguồn đóng góp, huyện sẽ hỗ trợ thiết thực cho các hộ sản xuất khác để làng nghề khởi sắc trong thời gian đến”.

Vẫn luôn tâm niệm câu ca dao “Nhất mắm Cửa Khe, nhì chè An Phú”, bởi vậy, vượt qua nhiều trở ngại, người dân xã Bình Dương vẫn thiết tha gắn bó với nghề sản xuất mắm truyền thống của quê hương.

198877_anh-nuocmam2

Giữ nghề

Vừa khẩn trương chuyển nhanh lô hàng nước mắm mới được đóng chai và dán nhãn mác cho các nhà hàng ở TP. Đà Nẵng, chị Lê Thị Lợi cùng con gái đã lại quày quả bắt tay ngay vào các công đoạn sản xuất nước mắm. Chỉ tay vào dụng cụ chiết xuất nước mắm là các thùng tô-nô vừa mới được lắp đặt, chị Lợi cho biết: “Câu ca dao “Nhất mắm Cửa Khe, nhì chè An Phú” vẫn được lưu truyền từ  bao đời nay trong cộng đồng dân cư chúng tôi. Trong xu thế hội nhập hiện nay, dưới tác động của cơ chế thị trường, nước mắm của làng nghề khó cạnh tranh được với các thương hiệu nước mắm khác. Nếu trong cái khó mà mình đành… bó cái khôn thì làng nghề làm sao mà tồn tại được. Bằng cách duy trì chế biến mắm chất lượng và tự quảng bá sản phẩm, nước mắm của chúng tôi cũng đã thâm nhập vào các nhà hàng ở khắp Quảng Nam và Đà Nẵng”.

198878_anh-nuocmam

Nói đến nước mắm Cửa Khe vang danh quá khứ có được cũng nhờ quy trình chế biến đặc biệt của làng nghề này. Trước đây, sản xuất nước mắm Cửa Khe được bắt đầu ngay trong quá trình khai thác cá. Cá cơm đánh bắt được đem trộn với muối ngay khi ở trên tàu. Sau khi hoàn thành quá trình “chượp”, về đến nhà, các hộ sản xuất mắm cho cá cơm vào ngay trong thùng ủ. Với tính tuần tự, liên tục đó, nước mắm cá cơm Cửa Khe có vị thơm và ngon ngọt đặc trưng không lẫn được. Hiện tại, để sản xuất mắm, người dân phải tốn rất nhiều công sức cho việc thu mua và vận chuyển nguyên liệu bởi cảng cá của vùng biển ngang này đã không còn nữa. Để kịp thời “chượp” khi cá vẫn còn đang tươi nguyên, nhiều hộ sản xuất mắm phải dậy từ tờ mờ sớm và đợi chờ những mẻ cá đầu tiên cập bến. “Thức khuya, dậy sớm, vất vả thu mua và vận chuyển là việc thường ngày của chúng tôi tự lâu lắm rồi. Để giữ được và phát triển nghề truyền thống, chúng tôi có thể chịu đựng được nhiều gian khổ” – chị Nguyễn Thị Hiền, chủ hộ sản xuất nước mắm ở thôn 6, xã Bình Dương nói.

Đến vùng quê ven biển bãi ngang của huyện Thăng Bình vào những ngày này, chúng tôi còn được nghe người dân nơi đây kể về nhiều câu chuyện quyết tâm gìn giữ làng nghề. Người sản xuất mắm tự chạy vạy vay mượn vốn để sản xuất, tự quảng bá sản phẩm; người dân trong vùng kiên quyết không dùng sản phẩm mắm không được sản xuất từ làng nghề… là những nỗ lực để phát triển làng nghề.

Phát triển sản xuất

Vừa qua, thực hiện chủ trương khôi phục, phát triển làng nghề chế biến nước mắm Cửa Khe – Bình Dương, Phòng Kinh tế – hạ tầng huyện Thăng Bình đã tiến hành chuyển giao công nghệ chế biến nước mắm truyền thống cho làng nghề. Với tổng số vốn ước tính là 170 triệu đồng (100 triệu đồng của người dân, 70 triệu đồng từ nguồn khuyến công), các hạng mục xây dựng xưởng chế biến, dụng cụ chế biến, thùng tô-nô và phương thức lọc mắm truyền thống đã được chuyển giao cho 2 hộ dân là bà Lê Thị Lợi và Trương Thị Bường (tổ 2, thôn 6, Bình Dương). Việc chuyển giao công nghệ này không ngoài mục đích tăng quy mô sản xuất khép kín, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, khẳng định thương hiệu của làng nghề, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, đem lại thu nhập cao cho người dân. Bà Lê Thị Lợi cho biết: “Thực tế là người dân chúng tôi luôn tâm huyết với việc gìn giữ tiếng thơm của làng nghề. Lâu nay mặc dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã cố gắng tự thân vận động. Việc chuyển giao công nghệ đã bước đầu giúp cho việc sản xuất thuận tiện hơn. Tôi hy vọng từ nhiều nguồn đóng góp, huyện sẽ hỗ trợ thiết thực cho các hộ sản xuất khác để làng nghề khởi sắc trong thời gian đến”.

Theo UBND xã Bình Dương, thời gian qua, việc chú tâm đầu tư về thương hiệu và mẫu mã, bao bì cho sản phẩm nước mắm là một bước phát triển của nghề mắm trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do thiếu các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn làm cầu nối cho làng nghề phát triển, sự hợp tác giữa các cơ sở chế biến trong xã còn thấp, kế hoạch phát triển làng nghề chưa có cơ sở huy động vốn tại chỗ cũng như tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các đơn vị tín dụng của Nhà nước nên làng nghề luôn phải “gồng mình” vượt khó. “Chúng tôi luôn kỳ vọng vào chủ trương khôi phục, phát triển làng nghề chế biến nước mắm Cửa Khe. Việc phát triển này không những có thể đem lại diện mạo mới cho quê hương mà còn giúp cho người dân địa phương cải thiện cuộc sống. Từ nhiều năm nay, làng nghề luôn gặp khó khăn. Bởi vậy, một khi chủ trương thật sự đáp ứng được nguyện vọng của người dân như về nhu cầu vốn sản xuất hay đầu ra sản phẩm đảm bảo thì sẽ thu hút nhiều hộ tham gia sản xuất” – ông Võ Văn Trị, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết.

Bằng việc tận dụng nguồn nguyên liệu tươi nguyên vị biển cộng với phương thức chế biến đặc trưng của làng nghề, nước mắm Cửa Khe có chất lượng không hề kém cạnh so với các thương hiệu khác. Từ nhiều năm qua, việc đầu tư sản xuất và quảng bá sản phẩm nước mắm Cửa Khe vẫn được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, để khôi phục và phát triển làng nghề đúng với tầm vóc và kỳ vọng, huyện Thăng Bình cần phải thực hiện việc quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho nghề mắm sát sườn hơn, trong đó hỗ trợ vốn cho người sản xuất là cần thiết.

Bình luận của bạn