Cay nồng men rượu Nà Hang

Nếu ai đó đã từng đặt chân lên Nà Hang, ngoài ngắm nhìn cảnh vật hùng vĩ của mảnh đất này, cùng đắm chìm trong tiếng hát then, hát cọi chắc hẳn đều phải nhấp thử một chén rượu ngô Nà Hang, mỗi chén rượu cay nồng là cả tấm chân tình của bà con nơi mảnh đất vùng cao này.

Nếu ai đó đã từng đặt chân lên Nà Hang, ngoài ngắm nhìn cảnh vật hùng vĩ của mảnh đất này, cùng đắm chìm trong tiếng hát then, hát cọi chắc hẳn đều phải nhấp thử một chén rượu ngô Nà Hang, mỗi chén rượu cay nồng là cả tấm chân tình của bà con nơi mảnh đất vùng cao này.

Chẳng biết tự bao giờ, rượu ngô Nà Hang đã trở thành một đặc sản của vùng đất này. Khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cho cách nấu rượu, hái lá rừng, làm men, ủ men. Hình như bất cứ một người con gái Nà Hang nào, khi sinh ra đều được trao sứ mệnh để làm nên thứ rượu ngon này.

Để cất được một chai rượu ngô thơm lừng, êm say là cả một quá trình công phu. Đầu tiên, phải nhặt lá rừng, mỗi quả men là sự hòa quyện của hơn 20 loại lá rừng. Nào là củ riềng, lá ớt, sả, lá mít, cán cuông, nhá héo, vát vẹo, trầu, rau răm, nét ti, chá pái, keng nộc kiêu, lác tọc, lác khà, nhân trần, tham chàng, chí ốt, tham ngàm…Nguyên liệu cần nhiều nhất là riềng, riềng đào về, phải cạo sạch, không được rửa, sau đó, băm thành những lát mỏng, phơi khô, giã thật nhỏ, rồi phải được sàng một lần nữa. Gạo ngâm nước chừng 1 tiếng được mang đi đập mịn. Lá rừng được băm nhỏ, giã, sàng rồi ngâm nước. Riềng, bột gạo, nước lá rừng ngâm sẵn đem trộn đều với nhau.

Mỗi khi làm men, mọi người trong gia đình lại quây quần bên nhau để nặn men, không khí gia đình ấm cúng trong mỗi lần lần làm men theo bước chân tôi trên từng mọi nẻo đường…Từng quả men nho nhỏ được nắm thật chặt, tròn, men nắm xong được bà, mẹ để trên ổ rơm, bên trên phủ một chiếc chăn mỏng. Đợi khi nào bao quanh quả men một lớp bông trăng trắng, ướt ướt, mềm mềm, thơm thơm là đủ độ. Đến đó, men vẫn chưa được đem vào sử dụng mà men còn được đem treo lên gác bếp, đợi khô. Ngô được chọn rất kỹ lưỡng, hạt ngô phải đều, không bị mọt. Ngô được bung trong nồi quân dụng  cả nửa ngày trời. Trẻ con, người già luôn được trao trọng trách ngồi bên bếp lửa giữ lửa luôn cháy đều. Nước trong nồi phải ngập đều các hạt ngô, ngô được bung đến khi nào nở là được. Ngô bung xong để ráo nước và cho vào một cái nong to, trải rộng giữa nhà. Nếu ngô còn nóng mà đem bột men trộn là hỏng cả nồi ngô. Men được trộn đều, ngô được vun thành đống rồi bà lại phủ lên trên một cái chăn. Cũng như men, khi nào ngô được phủ lớp bông ấm, nóng, trăng trắng là có thể đem đi ủ. Sau đó ngô được ủ vào chum. Chum này cũng thật đặc biệt. Mẹ vẫn gọi là “phò hạc”. loại chum này được bà, mẹ trèo đèo lội suối mua tận mãi Cao Bằng. Mẹ kể, từ thuở là con gái, mẹ đã theo bà ngoại đi mua loại chum này. Ngày ấy, “phò hạc” đắt., cả năm trồng bông, trồng đỗ xanh chỉ để đổi lấy một, hai chiếc “phò hạc”. Không biết do chum, do men, do ngô hay vì người làm rượu thổi vào đó cả tấm tình mà làm nên thức nước uống êm say lòng người.

Ngô được ủ khoảng nửa tháng là có thể đem đi nấu. Người nấu rượu ngon thật sự là một nghệ sĩ lớn, nếu nấu để lửa to thì có thể làm cháy cả ngồi ngô, rượu có mùi khét, nếu lửa nhỏ thì rượu chảy chậm. Đổi được ba lượt nước, mẹ nhấp một chút rượu và biết khi nào thì cất mẻ rượu. Nếu cất sớm, thì phí ngô, phí men, phí công nấu rượu vì rượu thu được ít, nếu cất chậm thì rượu sẽ bị nhạt. Ngọn lửa đều đều, cùng với đó là dòng nước mang mùi vị của cây cỏ, lá rừng chảy không ngừng. Ngay từ khi nấu, mẻ rượu đó ngon là biết liền vì mùi rất thơm thậm chí, đưa lên mũi hít hà lâu có thể hắt xì hơi. Ngày còn nhỏ, tôi thấy bố thường uống rượu với các chú, các bác bằng chén vại. Đây là một loại chén cổ, có thể rót được hai ly rượu như bây giờ. Nhưng ngày nay, loại chén đó không dễ kiếm nữa. Mọi người thường dùng loại ly thủy tinh. Bố tôi bảo: Thua chén vại ngày xưa. Rượu uống vào là có thể cảm nhận được hơi nóng bốc lan tỏa khắp người. Hết chén, những khuôn mặt đỏ bừng cùng những câu chuyện tưởng như không bao giờ dứt. Men rượu và men tình người hòa quyện…Rượu ngô nóng được mang lên mời bố, các bác lai rai cùng thịt trâu khô ngon hết ý.

Nhấp chén rượu ngô, ta có thể cảm nhận được tất cả mùi vị. Đây vị cay cay, thơm thơm của riềng, của lá ớt, của sả…vị thanh thanh, mát mát của nhân trần, vị hăng hăng của vát vẹo, vị ngọt đậm đà của ngô, vị đắng đắng của chí ốt…Đặc biệt, một người sành rượu ngô Nà Hang còn cảm nhận được cả nỗi vất vả, nhọc nhằn, tấm chân tình của con người nơi đây gửi gắm trong từng giọt rượu.

Lên Nà Hang, mảnh đất nhuốm sắc màu huyền thoại, bạn sẽ được đắm chìm trong men cay nồng, thơm ngào ngạt của rượu ngô; được hòa nhịp với cuộc sống, được tiếp đãi bởi tấm lòng nồng hậu, chân thành của bà con các dân tộc nơi đây…

Bình luận của bạn