Rượu cần Tây Nguyên
Đồng bào Tây Nguyên nhà nào cũng biết làm rượu cần hết chỉ khác bí quyết và khẩu vị của từng nhà, và điểm đặc biệt đây là bí mật chỉ truyền từ mẹ sang con gái.
Hình ảnh mọi người quay quần bên bếp lửa hồng trong gian nhà sàn ấm cúng và nhất là chung nhau ché rượu cần là một trong những hình ảnh gợi nhớ về Tây Nguyên rõ nét nhất với Hương. Nhắc đến đặc sản Tây Nguyên thì rượu cần là một trong những nét đẹp đầy bản sắc.
Đồng bào Tây Nguyên nhà nào cũng biết làm rượu cần hết chỉ khác bí quyết và khẩu vị của từng nhà, và điểm đặc biệt đây là bí mật chỉ truyền từ mẹ sang con gái. Và một điều nữa Hương được biết là có nhiều loại rượu cần chứ không phải chỉ có 1 loại như vẫn nghĩ, ví dụ rượu thóc thì được làm từ lúa mới xay rửa sạch, ngâm rồi trộn với men, cho vào ché bịt lá chuối độ 5, 6 hôm là được, rượu cơm lại được làm từ gạo nếp nấy lên ủ men, chừng vài ba hôm là nở tràn ché rồi, còn nhiều loại nữa như rượu kê, bobo, ngô, sắn…
Trước đây thì men rượu được làm từ các loại rễ cây lấy trên rừng nhưng bây giờ thì hầu như người ta mua men được làm sẵn về. Trộn men với nguyên liệu để làm rượu theo tỷ lệ nhất định rồi đảo đều lên với trấu để sau này khi dùng ống cần hút rượu sẽ dễ dàng hơn xong rồi mới cho vào ché rồi đạy lại bằng lá chuối thật kín. Rượu cần chỉ cần ủ trong vài ngày là dùng được còn nếu ủ càng lâu thì rượu càng có độ nồng cao và đậm đà.
Rượu Cần được uống trực tiếp từ ché, cần uống được làm từ cây trúc hay tre nhỏ đã thông ruột. Khi uống sẽ cắm cần uống vào trước rồi sau đó mới đổ thêm nước vào. Thực ra uống rượu cần là cả một nghi thức chứ không đơn giản như trên phim ảnh mình vẫn thấy. Mở ché rượu ra phải đọc lời cầu khấn sức khỏe, may mắn, người ta phải mời 1 người đến chỉ định người uống rượu, không phải ai cũng được cắm cần và không phải cứ cắm cần là hút được rượu đâu, rồi thì uống rượu cũng phải có thứ tự nữa, từ già đến trẻ, từ nữ đến nam rất bài bản, ống cần được chuyền từ tay người này sang tay người khác chứ không được để dòng chảy bị đứt đoạn. Và có một điểm nữa là người Tây Nguyên rất kỵ làm vỡ ché rượu cần nên các bạn nhớ chú ý nhé.
Theo nhiều người nhận xét thì rượu cần ngon nhất ở Tây Nguyên là của người Ba Na nấu, sau đó mới đến Ê Đê và Xơ Đăng. Rượu cần có nồng độ nhẹ, rất thơm và có màu vàng như mật, ngoài vị cay nồng thì Hương còn thấy vị ngọt rất rõ ràng. Nếu đến vào dịp lễ hội hay sinh hoạt buôn làng thì các bạn mới thấy không khí ấm áp và vui vẻ bao quanh, mọi người quây quần bên những ché rượu rất lớn trong những tiếng cồng chiêng, những điệu múa, câu hát không dứt, rất thích!
Muốn mua rượu cần, các bạn có thể đến các cửa hàng ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lăk. Đợt Hương đến buôn Ako Drong chơi thì được uống chứ không có ý định mua nên không lưu ý địa chỉ lắm. Bạn nào biết thì share lại giúp Hương nhé!