Đặc sản rượu Bàu Đá Bình Định
Bình Định xưa nay không chỉ nổi tiếng là một vùng đất võ mà còn nổi tiếng với nét ẩm thực độc đáo, say lòng người. Một trong những đặc sản của vùng đất võ chính là rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá đã từng được nhà thơ Nguyễn Duy phong là "Đệ nhất tửu" sau khi ông vào tận nơi để thưởng thức.
Bình Định xưa nay không chỉ nổi tiếng là một vùng đất võ mà còn nổi tiếng với nét ẩm thực độc đáo, say lòng người.
Một trong những đặc sản của vùng đất võ chính là rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá đã từng được nhà thơ Nguyễn Duy phong là "Đệ nhất tửu" sau khi ông vào tận nơi để thưởng thức.
Rượu Bàu Đá là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố. Đầu tiên đó là sự thừa hưởng dòng nước ngọt ngào của ngọn nguồn sông Kôn được ủ lạnh, lọc trong từ những hộc đá ngầm ở Vực Bà, Nước Miên, Nước Trinh, sông Kxôm, Hầm hô...Tiếp đến là sự khéo léo, cần mẫn của con người vùng “đất võ trời văn”. Sự cộng hưởng giữa thiên nhiên và tài hoa con người đã tạo nên thứ rượu đậm đà. Cái tên rượu Bàu Đá như một câu chuyện dân gian kể mãi theo thời gian, nhưng lại bắt đầu từ xóm “Tân Long”.
Xóm có tên gọi Tân Long, (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), tại xóm Tân Long có một cái bàu rộng khoảng 3 sào của ông xã Lựu, trong bàu có nhiều hòn đá to, hằng năm ông xã Lựu tổ chức một ngày giậy bàu vào mùa hè, mọi người gần xa về đây bắt cá đông vui, ai bắt bao nhiêu cá cũng được, ông xã Lựu chỉ lấy một con gọi là “xâu”, vì vậy đã trở thành ngày hội bắt cá định kỳ ở cái bàu có đá xóm Tân Long và được dân gian gọi là xóm Bàu Đá. Từ khi xóm Bàu Đá nấu rượu và phát triển kinh doanh nghề rượu người ta lấy tên xóm Bàu Đá đặt cho tên rượu gọi là “rượu Bàu Đá”.
Xóm rượu Bàu Đá ra đời muộn mằn so với các làng, xóm rượu trong vùng. Tuy nhiên, trải qua thời gian xóm rượu Bàu Đá vẫn giữ nguyên công thức cổ truyền mà ông Hương Lễ Nghè đã dạy, từ việc chọn gạo; kỹ thuật nấu cơm; họ không dùng các loại men bột công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh như nhiều nơi dùng mà họ chọn loại men bánh dân gian, thường là men Trường Định (Bình Hòa), Bả Canh (Đập Đá).
Tỷ lệ men và cơm, kỹ thuật ủ cơm rượu, đổ nước vào cơm rượu đã ủ phải lấy từ giếng bộng đất nung, hoặc giếng đá ong, không lấy nước giếng đất, giếng bêtông xi-măng. Họ không nấu nồi nhôm mà là nồi đồng, nắp đậy nồi bằng đất nung; cất rượu bằng ống tre.
Thưởng lãm rượu Bàu Đá cũng rất cầu kỳ, rượu đựng trong bầu, chai, nậm phải rót ra bình gọi là ve vòi, cái ve vòi đựng rượu có câu đố dân gian rằng:
Thượng tiểu, hạ đa (Trên nhỏ, dưới to)
Tích thủy, phi thủy (Đựng nước nhưng không phải nước)
Thọ thai, bất thọ thai (Chửa nhưng không phải chửa)
Rót rượu ra chén cũng có kiểu, có cách: Ve vòi giơ cao, rót dòng rượu nhỏ ra chén hạt mít sao cho có tiếng kêu róc rách, vun bọt nhưng rượu không được tràn ra miệng chén. Ngậm một ngụm rượu trong giây lát, uống xong ta thấy đọng lại vị ngọt thanh, mùi thơm…
Về Bình Định mà chưa được thưởng thức món chim mía Tây Sơn; chim se sẻ, nem chợ huyện Tuy Phước nhâm nhi với chén rượu Bàu Đá coi như chưa về Bình Định. Rượu Bàu Đá thường được dùng trong những ngày giỗ chạp, lễ nghi, hội hè, đình đám, nhất là những ngày Tết cổ truyền.