Rượu đế Bến Gỗ

Vào nửa sau thế kỷ XVII, các thế hệ di dân tự do người Việt với phương tiện chủ yếu là thuyền, ghe, xuồng... theo thủy triều ngược dòng Đồng Nai vào định cư ở các giồng đất hai bên bờ. Do đây là những nơi sẵn nước ngọt dùng cho sinh hoạt, trồng tỉa nên người Việt đến khai khẩn sớm nhất (theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức). Theo đó, Bến Gỗ (nay thuộc xã An Hòa - huyện Long Thành) là một trong những vùng định cư sớm nhất của số cư dân này ở xứ Đồng Nai. Và không biết tự lúc nào rượu đế Bến Gỗ đã vang tiếng khắp miền Nam.

Vào nửa sau thế kỷ XVII, các thế hệ di dân tự do người Việt với phương tiện chủ yếu là thuyền, ghe, xuồng... theo thủy triều ngược dòng Đồng Nai vào định cư ở các giồng đất hai bên bờ. Do đây là những nơi sẵn nước ngọt dùng cho sinh hoạt, trồng tỉa nên người Việt đến khai khẩn sớm nhất (theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức). Theo đó, Bến Gỗ (nay thuộc xã An Hòa - huyện Long Thành) là một trong những vùng định cư sớm nhất của số cư dân này ở xứ Đồng Nai. Và không biết tự lúc nào rượu đế Bến Gỗ đã vang tiếng khắp miền Nam. Trong Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển thì cho rằng: "... Thức uống có men phải nói đến rượu đế. Cùng với rượu Gò Đen (Long An), Hòa Long (Bà Rịa), rượu gạo Bến Gỗ (Long Thành) cũng nổi tiếng xứ Đồng Nai. Rượu đế chưng cất từ gạo nếp kết tinh chất bổ dưỡng từ bột nên dùng đúng liều lượng rất dễ tiêu hóa. Rượu đế còn dùng để ngâm thuốc gồm nhiều loại động, thực vật để tăng lực hoặc chữa bệnh". Rõ ràng là chi tiết "cùng với" không được đúng lắm vì Bến Gỗ hình thành địa bàn dân cư sớm hơn Long An, Long Đất thì rượu đế Bến Gỗ không thể xuất hiện cùng thời với rượu đế Gò Đen, rượu đế Hòa Long mà là phải có trước. Nhưng trước là lúc nào thì chưa có tài liệu nào nói rõ.

alt

Ông Hai In (Nguyễn Văn In) năm nay đã 71 tuổi, nhà ở ấp 1, xã An Hòa thuộc gia đình có mấy đời nấu rượu ở Bến Gỗ cho rằng: "Hồi tôi biết được thì bà ngoại tui đã là người kháp rượu chuyên nghiệp trong làng. Năm 1952, bọn lính Tây về lấy đình thần An Hòa để đóng bót thì chúng ra lệnh cho dân Bến Gỗ không được nấu rượu nữa: bọn tào cáo (lính) đi lùng sục khắp nơi bắt gặp ai nấu rượu chúng đập hết lu hũ. Bà ngoại tui mấy đời sống nhờ nghề kháp rượu nên đem lu hũ giấu dưới giếng. Vậy mà bọn tào cáo cũng biết được bắt bà đem ra bót Bến Gỗ nhốt và bà đã chết luôn trong bót".

Ông Chín Khai (Nguyễn Văn Khai) năm nay 61 tuổi là phó ban quý tế đình thần xã An Hòa tỏ ra khá am tường về rượu đế Bến Gỗ. Ông cho biết: "Rượu đế Bến Gỗ nổi tiếng từ lâu lắm rồi, nhưng nó cũng thăng trầm dữ lắm. Khi giặc Pháp chiếm làng Bến Gỗ, chúng cấm dân không được nấu rượu để rượu công-xi của chúng độc quyền tiêu thụ. Nhưng dân ghiền rượu đế đều chê rượu công-xi nên nhiều nhà làm rượu bèn lén chuyển nếp, men và đồ nghề ra rừng để nấu rượu. Thời đó, người ta lén lút uống rượu đế Bến Gỗ với nhau và gọi đó là... "rượu rừng". Mãi đến sau ngày đình chiến, bọn Tây rút đi, việc nấu rượu đế được công khai trở lại. Hàng loạt lò nấu rượu đế Bến Gỗ được phục hồi. Nhưng nổi tiếng cho đến tận những năm 1970 là lò rượu của bà Bà Lai và Dì Năm (bà Đoàn Thị Năm, nay đã 94 tuổi). Hai lò rượu này chuyên cung cấp cho "mối ruột" là quán bún thịt nướng của bà Tư Lưỡng cũng nổi tiếng ở Bến Gỗ mà nhiều người ở tỉnh lỵ Biên Hòa cũng kéo sang ăn và thưởng thức rượu đế. Sau ngày giải phóng, tình hình lương thực khó khăn, chính quyền cách mạng cũng cấm nấu rượu. Từ thời mở cửa đến giờ, rượu đế Bến Gỗ lại bung ra dữ quá! Ông Hai In nói giọng hoài cổ:  "Rượu đế Bến Gỗ hồi trước đây nấu toàn bằng nếp và pha men ngọt nên rượu ngon lắm. Ông bà mình còn canh thời tiết mới kháp rượu, nên rượu ra ngon không chê vào đâu được. Đã vậy, người uống rượu đế Bến Gỗ hồi đó thường dùng cáo nhạo để đựng rượu và khi rót ra ly phải có bọt mới chịu. Và khi uống rượu đế người ta cũng uống là để thưởng thức hương vị, ngồi nhâm nhi bàn chuyện xóm làng. Đến đám tiệc cũng uống rượu tình rượu nghĩa. Từ sau ngày đình chiến, có một số dân di cư đến Bến Gỗ sống nghề sông nước và hình thành ra ấp Xóm Câu thì thanh niên ở đây uống rượu bằng tô. Dân Bến Gỗ cũng bắt chước theo uống tô say té lên té xuống. Mà rượu đế bây giờ đều kháp bằng gạo dẻo với men tự tạo, tuy cũng nấu một mẻ 10 lít gạo ra được 4 lít rượu, nhưng hổng ngon bằng hồi trước".

Ông Năm Mạnh (Võ Văn Mạnh), 71 tuổi là chủ một lò rượu đế có uy tín nhất ở An Hòa hiện nay. Được truyền nghề kháp rượu từ ông bà, cha mẹ, ông Năm Mạnh mở lò đến nay đã 56 năm, cho rằng: "Rượu đế Bến Gỗ ngon nhờ ngoài kỹ thuật kháp còn có yếu tố nước. Vì cũng với nếp, men như vậy nhưng rượu ở hai xã liền bên là Long Hưng và Phước Tân thì  lại không ngon!". Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng ban VHTT xã An Hòa xác nhận điều này và cho là vì vậy mà bây giờ rượu đế Bến Gỗ được bán rộng rãi từ Phước Tân qua Tân Vạn, Hóa An... và cũng có thời kỳ người dân xứ rượu này đặt ra câu ca dao để trêu chọc: "Làm cán bộ xã An Hòa/ Không uống rượu thì chả ra cái gì!". Thế nhưng việc kháp rượu tràn lan (chưa có thống kê cụ thể, người ta cho rằng hiện An Hòa có không dưới 100 lò kháp rượu) với chất lượng thấp và pha chế tùm lum làm ảnh hưởng đến uy tín rượu đế Bến Gỗ. Là thành viên HĐND xã hai nhiệm kỳ, ông Tám cho biết Đảng ủy, UB xã lâu nay đã nhiều lần bàn bạc mà chưa gút lại được làm thế nào để giữ vững danh tiếng cho rượu đế Bến Gỗ và tạo thành một thương hiệu rượu đế có uy tín. Vì hiện nay lò rượu ở An Hòa tự phát tùm lum như vậy, nhưng lò có uy tín thực sự chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đó là các lò Năm Mạnh, Ba Khâu, Bảy Thìn, Hai In, lò ông Hồ, ông Hồng...

VnCharm

Nguồn

www.baodongnai.com.vn/Ruou-de-Ben-Go

Bình luận của bạn