Sự Tích Rượu Cần
Rượu cần là một trong những phong tục đặc trưng của một số dân tộc vùng cao. Và sự tích về phong tục này còn rất nhiều điều băn khoăn cho các nhà quan tâm đến văn hoá.
Rượu cần là một trong những phong tục đặc trưng của một số dân tộc vùng cao. Và sự tích về phong tục này còn rất nhiều điều băn khoăn cho các nhà quan tâm đến văn hoá.
Các dân tộc thiểu số, hầu như nơi nào cũng uống rượu cần. Hiện nay, chúng ta chưa sưu tầm được hết sự tích rượu cần của các dân tộc, chỉ mới biết người Mường, người Thái giải thích lý do ra đời của rượu cần như sau:
Một ông cụ có hai người con dâu. Cụ muốn thử xem ai là người thông minh, đức hạnh. Cụ bảo:
Bố đi ăn uống đã nhiều, nhưng chưa được ăn con vật gì mà thịt lại nằm trong xương, cũng chưa được uống loại nước gì chảy ngược cho ngọt ngào, ý vị. Các con cố tìm cho bố. Được ăn uống những thứ đó, bố mới khoẻ ra được.
Cô dâu cả nghĩ mãi, không hiểu là thức ăn thức uống gì. Cô dâu thứ hai cũng bí, hỏi chỗ này chỗ khác cũng không ai biết thức ăn ấy ra sao. Chị buồn rầu ra suối ngồi nghĩ. Bỗng chị nhìn thấy con ốc bên bờ suối. Thôi phải rồi! Con ốc, ruột trong mềm, vỏ ngoài cứng, thế chẳng phải thịt nằm trong xương sao? Bên bờ suối lại có ai đã cắm một cái vòi để cho nước chảy ngược lên máng. Muốn nước chảy ngược cũng phải làm như vậy. Chị liền bắt một mớ ốc về nấu canh, múc một bầu nước, vót cái cần cắm vào bầu. Cứ để nước lã như thế thì chẳng có mùi vị gì, chị bỏ vào bầu vài nắm lá thuốc trong rừng. Đưa về nhà thì ông cụ đang đi vắng. Chị giấu kín các thức đã chuẩn bị, chờ bố về đưa nộp.
Người dâu cả đang nghĩ chưa ra cách, thấy em thứ giấu thì bực, liền lén bỏ vào bình một nắm bã trấu và tấm vụn. Không ngờ như thế lại làm cho bình nước thêm chất. Lá, trấu, tấm quện lại, lên men, hoá thành một thứ rượu ngọt. Ông bố ăn canh ốc rồi cầm cần hút. Đúng là những thứ mà ông yêu cầu. Ông cụ khen nức nở, giao cả cơ nghiệp cho cô em. Và lịch sử xa xôi của bình rượu cần có từ đó.
VnCharm
Nguồn: