Xây dựng thương hiệu rượu Lai Thành

Là một trong những làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, làng rượu Lai Thành (Kim Sơn) được duy trì và phát triển hàng trăm năm nay. Người dân làng nghề cũng không biết chính xác nghề có từ khi nào, chỉ biết từ thời cha ông, nghề nấu rượu đã tồn tại, ngày càng phát triển cho đến ngày nay.

Là một trong những làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, làng rượu Lai Thành (Kim Sơn) được duy trì và phát triển hàng trăm năm nay. Người dân làng nghề cũng không biết chính xác nghề có từ khi nào, chỉ biết từ thời cha ông, nghề nấu rượu đã tồn tại, ngày càng phát triển cho đến ngày nay.

Tìm hiểu được biết, hiện trên địa bàn xã có hơn 1.500 hộ gia đình làm nghề chế biến và chưng cất rượu, trung bình mỗi ngày một hộ chưng cất được từ 20-30 lít rượu, rượu nấu đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó, không chỉ trên địa bàn huyện, trong tỉnh mà đang dần lan rộng có tiếng ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Giá trị sản xuất đạt được từ rượu chiếm trên 35% sản xuất công nghiệp, là một trong những ngành nghề phụ cho thu nhập cao của người dân Lai Thành.

Theo các cụ cao niên trong làng, sở dĩ rượu Lai Thành ngon có tiếng là bởi Lai Thành là vùng ven biển nên có được nguồn nước tự nhiên, nguồn nước này được ví như nguồn tài nguyên thiên nhiên quý, rất phù hợp cho nghề nấu rượu. Ngoài ra còn có thứ gạo nếp được trồng tại vùng đất phì nhiêu màu mỡ và những người thợ lành nghề qua nhiều năm gắn bó với nghề nấu rượu đã chiết xuất ra một loại men vừa thơm vừa nấu rất được nước. Tất cả những nguyên liệu gạo, nước, men, khí hậu… cộng với sự cần cù, điêu luyện trong nghề cha truyền con nối đã tạo nên sản phẩm rượu Lai Thành nức tiếng xa gần.

Để nghề truyền thống không bị mai một và ngày càng phát triển, các thế hệ người dân Lai Thành hôm nay vẫn đang nung nấu nhiều dự định để đưa nghề truyền thống của cha ông phát triển mạnh hơn. Chính quyền địa phương và các đơn vị doanh nghiệp đã trăn trở, tìm hướng đi để không ngừng giới thiệu sản phẩm rượu truyền thống tới khách hàng, tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể cho rượu Lai Thành - Kim Sơn. Là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn đi đầu, Công ty TNHH Tân Quỳnh Ngọc nhận thấy thế mạnh của loại rượu truyền thống Lai Thành nên đã đầu tư hàng tỉ đồng mua sắm trang thiết bị xây dựng thương hiệu "Rượu Tràng An" dựa trên quy trình chưng cất rượu truyền thống Lai Thành.

Vẫn theo quy trình nấu rượu truyền thống, là gạo nếp quê hương đem xay lật nấu thành cơm rồi tra men, thứ men được sản xuất từ chính bàn tay của người dân nơi đây, sau đó đem trưng cất thành rượu. Rượu tiếp tục được trưng cất thêm lần thứ 2 để xử lý độc tố. Công ty TNHH Tân Quỳnh Ngọc đã đầu tư những thiết bị, phương tiện lớn hơn bằng một dây chuyền khép kín có công suất 1.000 lít/ngày. Điều đáng nói, để rượu Lai Thành đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng người tiêu dùng, Công ty TNHH Tân Quỳnh Ngọc đã nghiên cứu chiết xuất từ 24 thảo dược để pha chế ra loại rượu màu từ 32% - 42%Vol và  nhãn hiệu Warm đối với dòng rượu trắng. Được sản xuất bằng quy trình khép kín, rượu đạt tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Công ty đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá "Rượu Tràng An" và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng. Theo đó bộ sản phẩm rượu của Công ty cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Ông Vũ Công, một người theo nghề nấu rượu lâu năm của làng nghề Lai Thành cho biết: Gia đình ông đã nhiều đời nấu rượu. Cùng với nấu rượu, ba đời nay nhà ông còn làm men ủ, loại men được chiết xuất từ gạo nếp và những vị thuốc bắc độc đáo nên có mùi thơm rất riêng. Loại men ông làm không chỉ để gia đình dùng nấu rượu hàng ngày mà còn bán cho bà con quanh làng. Hiện nhà ông vẫn nấu vài ngày một nồi, rượu đủ để gia đình dùng và bã được dùng để chăn nuôi. Có kinh nghiệm, ông Công được Công ty TNHH Tân Quỳnh Ngọc mời tham gia giám sát chỉ đạo khâu kỹ thuật, đảm bảo đúng quy trình nấu rượu truyền thống để đạt chất lượng rượu ngon nhất.

Được biết, để duy trì và không ngừng phát triển làng nghề, huyện Kim Sơn và chính quyền xã Lai Thành đang xúc tiến xây dựng thương hiệu rượu nếp của mình để được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ công nhận nhãn hiệu tập thể. Và việc Công ty TNHH Tân Quỳnh Ngọc mạnh dạn đầu tư thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm, quảng bá mở rộng thị trường… là việc nên làm để chung tay với chính quyền địa phương giữ vững và phát triển thương hiệu rượu Lai Thành truyền thống.
 

Bình luận của bạn