Cùng Vissan qua những thăng trầm

Ra đời từ năm 1970, trải qua quá trình 40 năm xây dựng và phát triển, Công ty Vissan đã phải vượt qua vô vàn khó khăn để khẳng định thương hiệu: trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước trên lĩnh vực thực phẩm.

Ra đời từ năm 1970, trải qua quá trình 40 năm xây dựng và phát triển, Công ty Vissan đã phải vượt qua vô vàn khó khăn để khẳng định thương hiệu: trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước trên lĩnh vực thực phẩm.

Dui_heo_nuoc_mam_Vissan

Từ những khó khăn đã qua...

Để thương hiệu có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng (NTD), Vissan đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm; trong đó, tôi nhớ nhất là những năm 1990, khi thị trường Đông Âu sụp đổ. Vissan đang từ vị thế một triệu phú chỉ trong phút chốc đã trở thành kẻ trắng tay! Thời điểm đó, Vissan đã đặt việc xuất khẩu (XK) lên hàng đầu và chủ yếu là XK thịt sang thị trường Đông Âu, mà không quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa. Những lợi nhuận lớn thu được XK từ các năm 1986-1990 qua thực hiện cơ chế đổi hàng và Nghị định thư đã làm chúng tôi ngập tràn hạnh phúc, tiếp tục đầu tư vào các dây chuyền thực phẩm chế biến cho XK. Đến khi thị trường XK mất, Vissan đã phải “đắp chiếu” toàn bộ dây chuyền trị giá nhiều tỉ đồng. Do công ty không đủ tiền trả lương cho khoảng 1.000 người lao động nên cán bộ giỏi lần lượt ra đi, chất xám dần dần bị mất.

Đã có lúc TP đặt vấn đề giải thể Vissan! Giám đốc Vissan Lê Quang Nhường và tôi, lúc đó là trưởng phòng kế hoạch - đầu tư, phải chạy đôn, chạy đáo để bảo vệ, giải trình. “Cái khó ló cái khôn”. Chúng tôi nghĩ ngay đến việc phải chuyển từ chế biến thực phẩm cung ứng cho XK sang phục vụ thị trường trong nước. Như vậy, phải thay đổi máy móc, công nghệ nhưng tiền đã “chôn” hết vào các máy móc thiết bị đầu tư cho XK, chi phí lại chồng lên chi phí, sản phẩm không được thị trường chấp nhận, đáo hạn trả nợ vốn vay, gánh nặng lại thêm chồng chất.

Sau những toan tính, chạy vạy ngược xuôi, cuối cùng “ánh sáng cũng xuất hiện ở cuối đường hầm”: Vissan vay được tiền từ Quỹ Đầu tư của TP để đầu tư một dây chuyền mới. Dần dần, Vissan cũng cân đối được thu chi, có thêm chút lợi nhuận, công ty lại đầu tư thêm một vài dây chuyền nữa. Như con ong thợ miệt mài, trong 3-4 năm sau đó, số nợ 29 tỉ đồng (rất lớn so với thời giá lúc bây giờ) cuối cùng cũng đã cân đối xong. Quan trọng hơn, qua “cú sốc” này, lãnh đạo Vissan và ngay bản thân tôi cũng như đội ngũ CBCNV đã có những thay đổi quan trọng trong nhận thức và chiến lược sản xuất, kinh doanh: đặt thị trường nội địa lên hàng đầu, song hành với việc khai thác XK.

Bản lĩnh người lính

Năm 1980, tôi xuất ngũ về Vissan nhận một vị trí công tác khiêm nhường ở phòng hành chánh. Vừa đi làm vừa đi học, tôi liên tục tham gia các lớp bổ túc, tại chức. Sau một thời gian, tôi được chuyển về phòng tổ chức nhân sự của nhà máy. Năm 1987, nhà máy sáp nhập vào công ty, tôi được chuyển về phòng nhân sự lao động tiền lương của Vissan. Một thời gian sau được bổ nhiệm làm phó phòng tổ chức. Với ý chí và nghị lực của một người lính, trong quá trình đó, tôi vẫn tiếp tục học hỏi không ngừng nghỉ. Tôi học chuyên môn ngay ở những sinh viên về công ty thực tập do tôi hướng dẫn. Rồi tiếp tục học đại học. Những học bổng ngắn hạn của các tổ chức nước ngoài về khoa học quản lý tại Thụy Điển, Nhật, Mỹ... đã giúp tôi trui rèn nghiệp vụ và tiếp cận được những công nghệ mới trên thị trường cũng như tăng thêm vốn ngoại ngữ rất nhiều.

Không chỉ học ở trường, tôi còn học được rất nhiều ở các bậc tiền nhiệm, các giám đốc, phó giám đốc qua các thời kỳ như ông Lê Quang Nhường, ông Võ Văn Em, ông Nguyễn Hoài Đức, ông Bùi Duy Đức,... Mỗi thế hệ lãnh đạo đều có một phong cách, vốn sống và năng lực riêng rất đáng trân trọng. Nhờ học hỏi ở họ, tôi đã có dịp hoàn thiện mình và toàn tâm, toàn ý mang sức trẻ cống hiến cho công ty. Tôi vẫn còn nhớ, khoảng thời gian năm 1990, khi tôi là phó bí thư Đoàn, chủ nhiệm các công trình thanh niên trọng điểm, lãnh đạo công ty là ông Lê Quang Nhường đã mạnh dạn đưa ra phương châm: Dùng lực lượng trẻ là đoàn thanh niên để thực hiện các công trình thanh niên, mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là việc áp dụng thí điểm (NĐ 118/ HĐBT) hình thức trả lương theo hiệu quả cuối cùng tại Vissan. Trong bối cảnh chung của nền kinh tế bao cấp, đây thực sự là một cải cách, một “cú hích” quan trọng về năng suất và ý thức của người lao động.

Phát triển bền vững: Sứ mệnh của Vissan

Bước ngoặt lớn nhất của Vissan bắt đầu từ năm 2000. Trong nền kinh tế thị trường, chúng tôi nhận định rõ sự cạnh tranh gay gắt và xác định: Trong thị trường thực phẩm, phải lấy trách nhiệm lương tâm của “3 nhà”: sản xuất - cung cấp - kinh doanh làm trọng tâm hàng đầu. An toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu là cơ sở vun xới cho sản phẩm “Ba bông mai” luôn nở trong lòng NTD. Sứ mệnh của Vissan là mang lại cho xã hội và NTD VN những thực phẩm chất lượng, được tiêu chuẩn hóa không thua kém bất cứ quốc gia nào. Tôi không nghĩ rằng những sản phẩm tốt nhất đều mang đi XK, còn NTD nội địa lại phải sử dụng những gì còn lại. Muốn làm được điều đó, từ dây chuyền công nghệ, bộ máy quản lý và con người đều phải chuẩn hóa ở mức cao nhất và được thị trường chấp nhận.

Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, thành công mang tính chiến lược của Vissan những năm qua là hoàn chỉnh chuỗi “Cửa hàng thực phẩm Vissan” gồm 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng mạng lưới bán lẻ trên cả nước. Đây là một kênh phân phối quan trọng vì trực tiếp “giao lưu” với NTD đồng thời là nơi thu nhận những ý kiến phản hồi của khách hàng, để từ đó công ty kịp thời đưa ra những sản phẩm mới, thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu và khẩu vị của NTD. Ngoài ra, Vissan đã chủ động phát triển kênh phân phối, mở rộng liên kết với các thương hiệu lớn, các chuỗi cửa hàng bán lẻ như Hapro Hà Nội, Kinh Đô, hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry, BigC, Co.opMart, Satra và hệ thống trường học.   

Không chỉ là đơn vị chủ đạo ngành hàng tham gia vào việc bình ổn giá cả thị trường; nhiệm vụ của Vissan còn là giáo dục, định hướng cho NTD mua sắm thông minh hơn, phù hợp hơn và quan trọng là bảo vệ được sức khỏe. Đặc biệt, Vissan luôn quan tâm đến việc phát triển thể trọng cho thế hệ mầm non, từ chế độ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm... thông qua việc cung cấp thực phẩm cho hơn 800 bếp ăn trường học, bệnh viện, xí nghiệp... Trong tình hình giá cả thị trường biến động như hiện nay, không ai ngăn cản sự tăng giá sản phẩm một cách phù hợp của doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi tự giao nhiệm vụ và tự ràng buộc mình bằng trách nhiệm: vừa phải giữ giá sản phẩm với ưu thế tốt nhất cho NTD vừa bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Chúng tôi đã tham gia hàng loạt chương trình bán hàng giảm giá, “Tháng bán hàng khuyến mãi” hằng năm của TPHCM, những đợt khuyến mãi riêng hoặc chung với các đối tác, nhà phân phối lớn như hưởng ứng chương trình “Tháng bán hàng VN chất lượng cao” của hệ thống siêu thị Co.opMart ngay từ năm đầu tiên...

Đặc biệt, chúng tôi rất tâm đắc với chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ: Là một nhà sản xuất, khi nói “ưu tiên dùng hàng Việt” có vẻ như hàng hóa của mình còn điều gì chưa ổn nên phải năn nỉ chăng? Vì vậy, để tham gia cuộc vận động này, trước hết, doanh nghiệp VN phải tự khẳng định mình bằng chính chất lượng sản phẩm. Hàng hóa sản xuất ra tốt, giá cả phù hợp thì chắc chắn NTD sẽ không quay lưng với hàng VN. Sự kiện Vissan thực hiện thành công bước đầu khi tung ra dòng sản phẩm “Ba bông mai” cho phân khúc thị trường nông thôn - một thị trường tiềm năng rộng lớn, chiếm 72% tổng lượng NTD – có thể xem là một minh chứng khá rõ tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt”. Trong năm nay, Vissan tiếp tục đưa ra nhiều sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD. Chúng tôi rất mong trong một tương lai thật gần, người Việt sẽ “tự tin, tự hào” khi dùng hàng Việt, thay vì phải “ưu tiên”.

Năm 2010, Vissan đã thông qua chỉ tiêu: Tổng doanh thu đạt 3.200 tỉ đồng, cung ứng cho thị trường 19.800 tấn thịt heo các loại, 2.400 tấn trâu bò xô; 15.000 tấn thực phẩm chế biến, tăng 5% - 7% so với mức thực hiện năm 2009. Riêng chỉ tiêu xuất khẩu đạt 500.000 USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Năm nay, Vissan sẽ nâng hệ thống bán lẻ và tiếp thị sản phẩm lên 90 siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, Vissan còn tập trung đầu tư cho các công trình di dời xí nghiệp chăn nuôi Gò Sao và xây dựng vùng chăn nuôi heo thịt chất lượng cao, theo hướng “Chuỗi thực phẩm - từ trang trại đến bàn ăn”, chăn nuôi có truy xuất nguồn gốc tạo tiền đề ổn định nguồn nguyên liệu và tạo đà phát triển của công ty. Việc di dời nhà máy Vissan để xây dựng cụm công nghiệp thực phẩm chế biến tại Long An là một chiến lược kỳ vọng trở thành một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm có tầm cỡ quốc gia và khu vực.

30 năm qua, những thử thách, rèn luyện trong đời sống quân ngũ, sự cạnh tranh không khoan nhượng trên thương trường cùng những kinh nghiệm đúc kết từ trường học, trường đời đã giúp tôi đủ bản lĩnh để tồn tại và phát triển trong môi trường Vissan. Ngày 1-4-2010, tôi vinh dự được nhận chức vụ Tổng Giám đốc Vissan. Đây là điều hãnh diện với tôi nhưng cũng đầy cam go, thử thách khi tiếp nhận trọng trách lèo lái con thuyền Vissan ra khơi, vượt qua ghềnh thác, sóng gió để đưa thương hiệu “Ba bông mai” bay cao hơn và vươn xa hơn...

VnCharm

Nguồn:

CEO Văn Đức Mười, Cùng Vissan qua những thăng trầm, http://www.vissan.com.vn

Bình luận của bạn