Tương ớt Việt Nam lần đầu xuất khẩu sang Nhật Bản

Sản phẩm do Masan Consumer sản xuất cho thị trường Nhật Bản, nhắm đến người Việt tại đây cũng như để người dân Nhật làm quen với ẩm thực Việt Nam.

Sự kiện tương ớt Chin-Su chính thức có mặt và nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản nằm trong khuôn khổ Ngày Hội ẩm thực Việt Nam "Vietnam Food Day" tại thành phố Osaka do Tổng lãnh sự Việt Nam tổ chức sáng 3/8 theo giờ địa phương.

Đại diện cho nhà nhập khẩu Imai Limited, Tổng giám đốc Jorge Imai cho biết sản phẩm trải qua quá trình thẩm định và kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên công ty nhập sản phẩm từ Việt Nam, trước đó, chủ yếu là nhập khẩu và bán sản phẩm từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil...

Ông cho hay công ty chọn Masan Consumer làm đối tác vì đây là công ty bán hàng tiêu dùng dẫn đầu thị trường Việt Nam. Qua quá trình kiểm tra, công ty đánh giá tương ớt Chin-Su khá đậm đà. Việc nhập khẩu nhằm cung ứng cho cộng đồng người Việt tại Nhật cũng như để cung cấp một loại gia vị mới cho người Nhật trong các bữa ăn và chế biến thực phẩm.

Ngoài tương ớt Chin-Su, công ty còn nhập thêm nước mắm Nam Ngư, cà phê hòa tan Vincafe Biên Hòa. 

 "Sản phẩm Việt đang ngày càng đáp ứng tiêu chuẩn của Nhật. Tôi hy vọng sẽ luôn được thưởng thức các món đặc sản Việt ở bất kỳ lúc nào trên đất nước Nhật", ông Makoto Ryoke, Trưởng phòng phát triển sức khỏe Cục y tế công cộng Phủ Osaka đánh giá tại sự kiện.

Đồng quan điểm với nhà nhập khẩu, vị này cho rằng sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật sẽ giúp hơn 350.000 người Việt đang công tác tại Nhật Bản có cơ hội gần hơn với ẩm thực quê hương. Song song đó, nhân dân Nhật Bản cũng có cơ hội tiếp xúc với ẩm thực Việt Nam.

 Phó tổng giám đốc Masan Consumer - ông Phạm Hồng Sơn nhìn nhận, Nhật Bản là thị trường tiềm năng. "Công ty đã mất một thời gian dài để tìm hiểu và nghiên cứu sâu về ẩm thực cũng như đặc tính các món ăn, cách ăn và khẩu vị của người Nhật. Sản phẩm lần này dành riêng cho thị trường Nhật, phù hợp với khẩu vị và các tiêu chuẩn của Nhật Bản", ông Sơn nói.

Tại Việt Nam, Masan Consumer đang dẫn đầu thị trường tương ớt với 55% thị phần. Ông Phạm Hồng Sơn cho biết ản phẩm được đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Australia.

Theo mục tiêu của Masan Consumer, đến năm 2030, tương ớt Chin-Su sẽ trở thành một trong 10 thương hiệu tương ớt mạnh nhất thế giới, góp phần đưa nông sản chế biến kỹ thuật cao của Việt Nam ra quốc tế.

Bình luận của bạn