Làng nghề làm tôm khô Rạch Giá - Cà Mau
“Làng” Tôm khô Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau) tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay. Từ chỗ sản xuất để dùng thì giờ đây thương hiệu tôm Rạch Gốc của đất mũi Cà Mau đã có mặt khắp đất nước thậm chí vươn xa hơn.
“Làng” Tôm khô Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau) tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay. Từ chỗ sản xuất để dùng thì giờ đây thương hiệu tôm Rạch Gốc của đất mũi Cà Mau đã có mặt khắp đất nước thậm chí vươn xa hơn.
Tôm khô Rạch Gốc hương vị đậm đà, ngon ngọt màu sắc bắt mắt
Những ngày giáp tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 chúng tôi có dịp trở lại thăm làng Tôm khô Rạch Gốc. Đây là giai đoạn nhộn nhịp nhất của bà con nơi đây các cơ sở chế biến tôm luôn tấp nập công nhân làm việc, các công đoạn để cho ra sản phẩm tôm khô hoạt động dường như hết công suất, để kịp thời cung ứng sản phẩm cho thị trường.
Qua tiếp xúc với các cơ sở sản xuất, chế biến tôm khô ở “làng” Rạch Gốc này chúng tôi mới hiểu thêm được, để có được sản phẩm con tôm mang đậm hương vị đặc trưng của biển, người dân Cà Mau không ngại ngần khi chia sẻ những bí quyết riêng của họ. Tôm sau khi luộc trong nước thật sôi từ 5 đến 6 phút, rồi mới được cho muối vào tiếp tục luộc khoảng 4 phút, sau đó đem ra phơi hoặc sấy khô.
Để cho ra được con tôm khô có vị vừa ăn mà vẫn giữ được mùi thơm đậm đà đặc trưng của vùng đất Rạch Gốc này, người luộc tôm rất quan trọng, phải canh lửa cháy đều, nêm muối vừa tay, phải chọn đúng thời điểm vớt tôm để mang đi sấy. Khi sấy tôm phải đảo đều vỏ tôm mới khô từ đầu đến đuôi. Trung bình, từ 10-12 kg tôm nguyên liệu chế biến được 1 kg tôm khô thành phẩm
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Hồng Chí Tâm - chủ cơ sở tôm khô Chí Tâm, cho biết, cuối năm 2012 vừa qua, cơ sở sản xuất của anh chính thức cho ra lò sản phẩm mang thương hiệu Tôm khô Rạch Gốc, nhãn hiệu Chí Tâm với 2 loại sản phẩm là tôm biển và tôm bạc đất.
Ông Tâm cũng cho biết thêm: Từ khi được đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, từ tôm nguyên liệu, chỉ cần mất chưa đến 1 ngày cho các khâu rửa, luộc, sấy, bóc vỏ… anh đã cho ra lò thành phẩm tôm khô. Hiện doanh nghiệp của anh đã được Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển thực hiện thương hiệu Tôm khô Rạch Gốc.
Còn ông Võ Văn Chưởng – Phó chủ tịch HĐND thị trấn Rạch Gốc cũng thông tin thêm: Sau khi “Tôm khô Rạch Gốc” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận 3 sản phẩm tập thể của Cà Mau, trong đó có tôm khô Rạch Gốc (2 sản phẩm còn lại là cá khô bổi U Minh, huyện Trần Văn Thời và mật ong U Minh, huyện U Minh) thương hiệu “Tôm khô Rạch Gốc” như được chấp thêm cánh vươn xa ra khắp tỉnh thành trong cả nước, có thể cạnh tranh với các vùng sản xuất tôm khô nổi tiếng ở Miền Trung.
Qua câu chuyện với các lãnh đạo của thị trấn Rạch Gốc thì, trước đây, đa số người dân sản xuất bằng thủ công, nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Thời gian gần đây, lượng tôm khô Rạch Gốc tiêu thụ ngày càng tăng, một số cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại: lò sấy, máy bóc vỏ, máy phân cỡ, … Vì vậy số lượng, chất lượng tôm khô thành phẩm được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Toàn huyện Ngọc Hiển hiện có 25 cơ sở sản xuất tôm khô có quy mô lớn, vừa và nhỏ; mỗi tháng sản xuất từ 25-30 tấn tôm khô, chiếm khoảng 20% sản lượng tôm của huyện, giải quyết cho 200-250 lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, hàng năm mang về lợi nhuận cả trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất tôm khô trên địa bàn huyện Ngọc Hiển trong thời gian qua còn gặp không ít khó khăn. Đó là, phần lớn các cơ sở sản xuất bằng thủ công; sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Cũng theo ông Chưởng, tôm khô được làm quanh năm, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết… Tuy nhiên, thời điểm tháng 10-12 âm lịch mới được xem là "chính vụ”. Hiện tại giá tôm đất (nuôi ở vuông) loại ngon nhất gần 1.200.000đ/kg và tôm biển loại cao nhất 650.000đ/kg. Tôm khô Rạch Gốc có hương vị, màu sắc rất riêng so với tôm khô các địa phương khác.