Thương hiệu mắc ca Việt, tại sao không?
Từ lâu, dân ta vẫn giữ thói quen sản xuất truyền thống, trồng trọt theo tập quán, cho nên bi kịch được mùa mất giá lặp đi lặp lại.
Toàn xã hội bày tỏ thái độ chia sẻ bằng kịch bản mùa nào giải cứu thức nấy: dưa hấu, thanh long, hành, tỏi, gừng... Nhiều doanh nghiệp thao thức trăn trở tìm cơ hội tháo gỡ vướng mắc cùng bà con nông dân, từng bước một thay đổi cách tư duy, cách làm nông nghiệp theo xu thế mới. Người đứng đầu Lê An Trung cùng với Công ty Cổ phần Macca Nutrition Việt Nam đã và đang có những bước đi tự tin, vững chãi theo cách đó.
Phát triển cây mắc ca - cơ hội xóa đói, giảm nghèo
Cây mắc ca mặc dù có nguồn gốc ngoại nhập, nhưng đã khá quen thuộc và đi vào đời sống dân ta từ những năm 90 của thế kỷ trước và nhanh chóng khẳng định thế mạnh của nó. Nuôi con gì, trồng cây gì thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng và đặc biệt có giá trị kinh tế, luôn là câu hỏi lớn mà người nông dân trăn trở và không ngừng thử nghiệm. Mỗi lần thay đổi nghĩa là dỡ bỏ, chặt phá, là sức người, tiền của đầu tư của dân đổ xuống sông, xuống biển... Cây mắc ca có mặt ở Việt Nam cũng từ niềm mong mỏi tìm loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế tốt hơn cho người dân. Hơn 20 năm có mặt trên đất Việt, diện tích trồng mắc ca không ngừng phát triển. Giống cây này phù hợp với nhiều vùng đất ở ta, cây lớn nhanh, không khó chăm sóc và đặc biệt cho sai quả. Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý... tâm huyết với loài cây này đã khuyến khích người dân trồng để cải thiện đời sống. Ngoài một số diện tích trồng khá lớn và lâu năm ở các tỉnh miền trung Tây Nguyên, vùng nguyên liệu mắc ca ở các tỉnh như: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Thanh Hóa... cũng đang được phát triển và không ngừng nhân rộng...
Bà Đàm Thị Bư (xã Tân Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) kể về thời gian đầu quyết liệt chuyển đổi cây trồng. Năm 2014, có người đi miền nam về nói chuyện về việc phát triển cây mắc ca trong Lâm Đồng có hiệu quả cao, thấy vậy, gia đình cũng đi mua cây về trồng. Ban đầu rất khó khăn, thông tin về cây mắc ca hầu như không có. Trước đây, người dân chỉ trồng cây bạch đàn để lấy gỗ, làm củi, lá thì để cất tinh dầu là chủ yếu... Không nản lòng, gia đình bà Bư vẫn kiên trì chăm bón vườn mắc ca đang vào độ lớn. Cây bắt đầu cho quả thì cũng là lúc bà Bư kết nối được với Công ty Cổ phần Macca Nutrition Việt Nam, thời điểm doanh nghiệp này đang tiến hành khảo sát và phát triển vùng nguyên liệu trồng mắc ca tại các tỉnh phía bắc. Từ vườn cây mắc ca sẵn có và những kinh nghiệm qua tìm tòi học hỏi, bà Đàm Thị Bư nhận thêm sự hỗ trợ về vốn, cây giống, phân bón, đặc biệt là kịp thời điều chỉnh về kỹ thuật trồng và chăm bón cây mắc ca một cách bài bản từ công ty. Dưới những gốc mắc ca khỏe khoắn, xanh mướt, bà Đàm Thị Bư phấn khởi khoe: Năm ngoái mắc ca nhà tôi được mùa, giá cả công ty thu mua ổn định, lần đầu thu được gần 1,5 tỷ đồng, khiến cả nhà rất phấn khởi. Đến nay, diện tích trồng mắc ca của gia đình tôi tăng lên bảy héc-ta. Vợ chồng tôi cũng thấy phấn khởi vì đã tạo công ăn việc làm cho con em quanh vùng.
Đến thăm vườn mắc ca của bà Bư, ông Lê An Trung, TGĐ Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam không giấu nổi niềm vui: Doanh nghiệp chúng tôi muốn phát triển bền vững luôn cần sự chung tay góp sức của bà con. Sản phẩm của chúng tôi làm ra có giành được sự yêu thích của người tiêu dùng hay không, có tạo ra sự khác biệt hay không bên cạnh công nghệ, trình độ chuyên môn của chúng tôi, thì điểm mấu chốt là chất lượng nguồn nguyên liệu, chính là hạt mắc ca mà bà con mình cung cấp.
Từ mô hình trồng mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế của gia đình bà Bư, nhiều hộ gia đình ở huyện Văn Lãng, Tràng Định và các tỉnh đến tham quan học hỏi. Vườn mắc ca của anh Nguyễn Đình Tú cũng được Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam nhận hỗ trợ mọi mặt và bao tiêu sản phẩm, dù chỉ mới có hơn 100 cây nhưng năm ngoái hái được gần hai tấn quả, thu về 200 triệu đồng...
Chủ động liên kết, hỗ trợ nhau làm giàu
Đi nhiều nơi, trải qua nhiều vị trí, với sự học hỏi quan sát tinh tế, Tổng Giám đốc Lê An Trung luôn nhận thấy điểm yếu phổ biến của người nông dân là làm theo thói quen, tập quán là chính. Sản xuất manh mún, không tập trung, không có sự đầu tư dài hạn, người dân nhiều nơi chưa bắt kịp với xu thế sản xuất hiện đại.
Ông Trung luôn tự đề cao ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ông chia sẻ: Ngay từ năm 2014 khi triển khai chương trình trồng cây mắc ca tại Đắc Nông thì chúng tôi cũng xác định cần chú trọng lợi ích và sự phát triển của địa phương, đặc biệt là bà con nông dân. Thống nhất cách làm đó, ban lãnh đạo công ty đã vạch ra hướng đi riêng trong việc liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu nhằm ổn định sản xuất, kiểm soát chất lượng và nâng cao giá trị dinh dưỡng của hạt mắc ca.
Rất nhiều cuộc trao đổi, thảo luận diễn ra trong nhiều năm, nhằm tăng cường tính hiệu quả trong mối liên kết vùng nguyên liệu, sản xuất, phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu nhằm tạo nên chuỗi khép kín sản xuất: chế biến - tiêu thụ, trong đó, doanh nghiệp là đầu mối chính. Trong câu chuyện về cây mắc ca, công ty đã và đang là cầu nối vững chắc cho sự phát triển hình ảnh thương hiệu cây mắc ca Việt Nam.
Nhận thấy thổ nhưỡng Việt Nam nhiều nơi phù hợp để phát triển cây mắc ca, xác định là cây làm giàu cho bà con nông dân, ông Lê An Trung quyết định “chơi lớn”, đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp đặt ra mục tiêu trong năm nay và những năm tới đây, vùng nguyên liệu của công ty trên cả nước sẽ lên đến 1.000 héc-ta, phấn đấu sau năm 2025 có khoảng 5.000 héc-ta mắc ca được trồng mới và đưa vào thu hoạch. Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam đã ký các hợp đồng mua bán với dự án trồng cây mắc ca và vườn cây mắc ca tại xã Tân Việt (huyện Văn Lãng), xã Lợi Bác (huyện Lộc Bình), Lạng Sơn, xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân), xã Hạ Long (Hà Trung) và thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Không bỏ qua các hộ gia đình trồng mắc ca nhỏ lẻ, nhiều hộ dân tại xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, Thái Nguyên cũng được công ty hỗ trợ tiền cây giống và 100% kỹ thuật, cam kết bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường từ 5 đến 10% để bà con yên tâm chăm sóc và phát triển cây mắc ca trên đất rừng họ được giao.
Giải quyết tốt bài toán đầu ra cho cây mắc ca
Công ty tập trung sản xuất và phân phối các loại đồ uống sạch có nguồn gốc từ hạt mắc ca cho người tiêu dùng. Những sản phẩm của công ty đã có mặt tại các siêu thị lớn như VinMart, Mường Thanh, Lan Chi,... với các dòng sản phẩm hòa tan Maccaca cà-phê sữa 3in1, Maccaca cà-phê dừa, Maccaca cà-phê sầu riêng, Maccaca trà sữa matcha, Maccaca hồng trà sữa, sữa hạt Macca ngũ cốc đậu đen, Maccaca bột dinh dưỡng ngũ cốc... Hệ thống cửa hàng được thiết kế theo phong cách hiện đại trẻ trung hướng đến lớp trẻ năng động. Đặc biệt, Công ty CP Macca Nutrition Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và đang đàm phán với Cộng hòa Ba Lan để xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu maccaca Việt Nam sang nước bạn. Thương hiệu Maccaca Việt Nam được biết tới, doanh nghiệp lớn mạnh và trên hết, cuộc sống của bà con nông dân những vùng bán sơn địa ấy không chỉ no ấm, mà còn có của ăn của để hướng đến một ngày mai mạnh giàu.