Bún mực Vạn Ninh

Huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà) cách Nha Trang khoảng 60 km về hướng bắc nổi tiếng có món bún mực. Trong Nam, ngoài Bắc ai đi qua đây nếu biết, đều muốn dừng để thưởng thức món quê chế biến đơn giản mà ngon lạ này.

Huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà) cách Nha Trang khoảng 60 km về hướng bắc nổi tiếng có món bún mực. Trong Nam, ngoài Bắc ai đi qua đây nếu biết, đều muốn dừng để thưởng thức món quê chế biến đơn giản mà ngon lạ này.

Bắt đầu từ đèo Cổ Mã, các quán bún mực nằm rải theo Quốc lộ 1A chạy dài đến Đại Lãnh. Vùng biển Đại Lãnh mùa nào cũng có mực ngon. Con mực trung trung, don don không lớn quá, tươi rói; khi nào có khách nhà hàng mới bật bếp nấu. Nước lèo ngon phụ thuộc vào độ tươi của mực.

Mực mới đánh bắt đem về chế biến chắc chắn có vị ngọt đặc trưng. Chỉ với cà chua, hành tây, thơm, hành lá, một cái lẩu mực hai người ăn khoảng 30-40 nghìn đồng, đảm bảo no nê. Rau ăn kèm với bún mực có xà lách, rau thơm các loại. Cách nấu đơn giản này người địa phương gọi là nấu ngọt hay nấu ngót; không chỉ mực mà còn với các loại cá như cá hồng, cá phèn, cá bè… chấm với nước mắm nguyên chất dầm thêm vài trái ớt xiêm xanh nồng.

Điều thú vị là vượt qua ranh giới đèo Cả giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, món bún mực lại được chế biến kiểu khác nhưng ngon không kém. Món bún mực có tính "vùng miền" này khác nhau không chỉ cách nấu mà còn về chất liệu - chính là tuỳ thuộc vào loại mực.

Nếu ở Vạn Ninh nấu bằng mực ống, mực lá… thì bún mực Phú Yên chỉ chế biến từ mực cơm. Loại mực này ngọt, không dai, ruột trắng. Con mực chỉ nhỉnh hơn lóng tay một chút và tươi xanh.

Vạn Ninh nấu ngọt (nước trong) thì bún mực Phú Yên lại nấu theo kiểu nấu chua. Cà chua thái nhỏ, tao qua dầu cho ra màu rồi nấu. Món bún mực ở Phú Yên tuỳ mùa mực. Bún mực Vạn Ninh mùa nào cũng có bởi cách chế biến không kén mực.

 

Bình luận của bạn