Lên Gia Lai thử phở hai tô
Dân nghiền phở miền Bắc, miền Nam vốn chỉ quen với phở một tô truyền thống của Hà Nội, Nam Định. Còn người phố núi Gia Lai, mỗi lần ăn phở lại nhận được 2 tô…
Dân nghiền phở miền Bắc, miền Nam vốn chỉ quen với phở một tô truyền thống của Hà Nội, Nam Định. Còn người phố núi Gia Lai, mỗi lần ăn phở lại nhận được 2 tô…
Món ăn độc đáo này có cái tên rất đơn giản và dễ nhớ: phở khô hay dân dã hơn là phở 2 tô. Vì sao ư? Vì khi bưng phở ra cho bạn, chị phục vụ sẽ “tặng” bạn 2 tô thức ăn. Một tô chứa phở khô và một tô chứa nước dùng cùng thịt bò tái.
Bánh phở khô Gia Lai được làm từ bột gạo xay. Khi ăn sẽ được nhúng qua nước sôi để làm chín. Tuy gọi là phở khô nhưng sợi phở cực mềm và dai, gần giống với bánh phở tươi. Tô phở khô còn có thêm một ít hành khô và thịt bò băm nhỏ.
Tô còn lại là nước dùng được ninh từ xương. Thịt bò sẽ được thái mỏng, làm tái và cho vào bát cùng với hành, ngò để tạo mùi thơm và màu sắc.
Để thưởng thức phở 2 tô, bạn nên trộn đều tô phở khô cùng nước tương nâu. Không nên dùng nước mắm vì như vậy sẽ làm mất hương vị của phở khô. Nước tương nâu được làm từ đậu nành và đường vàng, tùy theo khẩu vị mặn nhạt, bạn có thể nêm ít hoặc nhiều. Sau đó thì cho thêm giá đã trụng chín, thêm rau thơm (nếu bạn ăn được), đảo lại cho đều.
Gắp một đũa phở khô cho vào miệng và nhai thật kỹ bạn sẽ cảm nhận được vị thơm của thịt bò, hành khô; vị mềm và dai của bánh phở cùng chút cay cay, nồng nồng của nước tương. Trước khi hỗn hợp này trống trơn trong miệng thì nhẹ nhàng húp một ít nước phở ở tô thứ hai. Nếu thích thì hãy nhấm nháp cùng thịt bò. Vậy là bạn ăn phở khô, vừa không bị nghẹn vì đã uống nước phở
Thưởng thức phở khô Gia Lai tưởng chừng rất mất thời gian nhưng đừng vì thế mà vội vàng trộn 2 tô thành một nhé! Bạn sẽ đánh mất hương vị đặc trưng của phở đấy!
Tại sao không nhai chậm, nhai kỹ để “no lâu” và chờ đợi rồi làm luôn một ly cà phê ban mê mỗi sáng nhỉ?