Vị hương tô bún bò Huế ở Sóc Trăng

Có lẽ do sự giao thoa về ẩm thực trong dân gian nên tô bún bò Huế tại Sóc Trăng đã không giữ nguyên bản từ tô bún bò ở nơi quê hương của nó, nhưng cũng không giống với cách chế biến ở các vùng miền khác.

Có lẽ do sự giao thoa về ẩm thực trong dân gian nên tô bún bò Huế tại Sóc Trăng đã không giữ nguyên bản từ tô bún bò ở nơi quê hương của nó, nhưng cũng không giống với cách chế biến ở các vùng miền khác.

Sóc Trăng là vùng đất có nhiều dân tộc anh em như Việt – Hoa – Khmer cùng sinh sống. Và trong cuộc sống hàng ngày ở nơi đây cũng có sự giao thoa văn hóa, tạo nên những điều đặc biệt thú vị của người miền quê Sóc Trăng.

Đến vùng đất này, không ai xa lạ gì với những món ăn đã trở thành đặc sản có thể kể như món bún nước lèo Mỹ Tú, Ngã Năm, hay bánh cống Đại Tâm, bò nướng ngói Mỹ Xuyên, cháo lòng Bưng Cóc, … Ngoài ra còn có những món ăn từ nhiều vùng quê, đất khách đều được bà con đưa về chế biến và nhanh chóng đứng vững trong đời sống ẩm thực của người Sóc Trăng. Bún bò Huế là món ăn tiêu biểu đó.

Ngay tên gọi bún bò Huế đã biết được xuất xứ quê hương của món ăn này là từ vùng đất cố đô Huế năm xưa. Nhưng không phải người miền quê nào cũng có dịp ra tận miền Trung xa xôi, để không vì thế mà họ không một lần được thưởng thức món ăn từ đất cố đô.

Để chế biến tô bún bò, cũng có sự khác biệt đôi chút với bún nước lèo, bún rêu hay bún gỏi dà. Cọng bún bò Huế lớn hơn, dai hơn. Theo nhiều người thì khi làm bún này người ta có pha thêm ít bột mì vào bột gạo.   

Để nấu nước chan bún, người ta chọn mua xương bò, được phần xương cổ càng tốt bởi nó ngọt nước và còn có thể vớt ra cho trẻ con gặm ăn chơi một cách ngon lành. Thịt bò cần chọn loại có gân, nạm để khi ăn nhai sần sật mới đã miệng.

Xương và gân bò mua về trụng sơ qua nước sôi cho hết mùi, sau đó rửa lại bằng nước lạnh rồi để ráo. Bắc nồi nước lên bếp đun sôi, rồi cho hết phần xương bò cùng với sả đã đập dập, tỏi, gừng nướng vào hầm. Nước sôi mấy dạo, hớt kỹ cho sạch hết bọt rồi mới cho gân, nạm vô. Khi nêm nồi nước chan bún bò, người ta còn sử dụng cả mắm ruốc để tạo mùi đặc trưng.

Bắc chảo cho nóng lên bằng ít dầu ăn cùng một muỗng sa tế, đảo đều rồi đổ vào nồi nước đã nấu để có lớp nước béo màu đỏ đẹp mắt.

Xếp bún vô tô, rau sống các loại để lên trên, thêm vài lát thịt bò nạc, viên bò vò xắt hai, ba, ít miếng chả quết nhuyễn từ thịt bò mà dân gian Sóc Trăng thường kêu là chả lụa, hành tây thái mỏng, hành lá xắt nhuyễn và chan nước từ nồi đã nấu vào.

Món bún bò Huế ở Sóc Trăng cay nồng mà lại có mùi vị đặc trưng. Điều đó, vừa thể hiện sự phong phú trong văn hóa ẩm thực Việt, vừa lưu giữ nguồn gốc, ghi dấu nơi quê hương của một món ăn. Người bình dân không nhiều lý luận, nhưng tính thực tế của họ thì vô cùng đáng khâm phục.
 

Bình luận của bạn