Việt Tiến- Sự Khẳng Định Của Một Thương Hiệu

Là một thành viên của Tập đoàn Dệt-May Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần may Việt Tiến (Việt Tiến) luôn là cánh chim đầu đàn của ngành trong việc khẳng định và phát triển thương hiệu, tạo lập được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Là một thành viên của Tập đoàn Dệt-May Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần may Việt Tiến (Việt Tiến) luôn là cánh chim đầu đàn của ngành trong việc khẳng định và phát triển thương hiệu, tạo lập được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

alt

Tiền thân của Việt Tiến là một xí nghiệp may tư nhân có tên gọi là “Thái Bình Dương kĩ nghệ Công ty” (Pacific Enterprise), với 8 cổ đông góp vốn, do ông Sâm Bảo Tài, một doanh nhân người Hoa, làm giám đốc. Khi đó xí nghiệp chỉ có 65 máy may và khoảng 100 công nhân. Sau năm 1975, xí nghiệp được quốc hữu hóa và giao cho Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công Thương) quản lí. Tháng 5/1977, xí nghiệp đổi tên thành Xí nghiệp may Việt Tiến. Cùng với sự phát triển chung của cả nước và ngành dệt may, Xí nghiệp được đổi thành Công ty rồi Tổng Công ty nhưng cái tên Việt Tiến với hàm ý “Việt Nam tiến lên” vẫn được giữ lại theo tâm nguyện của cả tập thể những người lao động nơi đây.

Hiện nay, Việt Tiến đã lớn mạnh hơn rất nhiều, gồm 6 xí nghiệp, 14 công ty thành viên với hơn 20 nghìn lao động. Cơ sở sản xuất không chỉ có ở Tp. Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều địa phương khác. Ngoài lĩnh vực chính là hàng may mặc, Việt Tiến còn kinh doanh nguyên phụ kiện ngành may, thiết bị linh kiện, dịch vụ xuất nhập khẩu... Sản phẩm của Việt Tiến có thêm nhiều tên gọi khác nhau, đến với người tiêu dùng qua hệ thống hơn 20 cửa hàng và 300 đại lí trên toàn quốc, ngoài ra còn có mặt tại thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, các nước ASEAN...

Năm 2010, doanh thu của Việt Tiến đạt 4.500 tỉ đồng (tăng 15% so với 2009), góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động.

Có được những bước phát triển vững chắc như vậy là nhờ tập thể lãnh đạo Tổng Công ty sớm có được chiến lược đúng đắn. Trong đó việc đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất được xem là khâu then chốt. Tổng Công ti còn chú trọng đổi mới công tác quản lí và phát triển nguồn nhân lực theo hướng tiếp cận trình độ quốc tế.

Tại xưởng may của Tổng Công ty ở đường Lê Minh Xuân, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh, hàng trăm công nhân làm việc trong một khu nhà xưởng sạch sẽ, rộng rãi, thoáng mát với nhiệt độ môi trường sản xuất luôn được giữ ở mức 26 độ C. Dây chuyền may ở đây được quản lí rất hiện đại, qua hệ thống computer có thể xác định được năng suất, chất lượng tại mỗi máy đang hoạt động, thậm chí có cả thiết bị kiểm tra tình trạng kĩ thuật của kim may để nhằm loại trừ sự cố kĩ thuật và tai nạn lao động... Tất cả những yếu tố trên được Việt Tiến chú trọng đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đều đáp ứng theo nhiều tiêu chuẩn quốc tế như: tiêu chuẩn quản lí chất lượng theo ISO 9001:2000, tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội theo SA8000, tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh theo WRAP...

Trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, Việt Tiến xem việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu là chuyện sống còn, bởi đó không chỉ đơn thuần là việc quảng cáo cho tên gọi sản phẩm mà cái chính là chất lượng sản phẩm. Và đảm bảo được chất lượng sản phẩm cũng đồng nghĩa rằng Việt Tiến đã xây dựng được lòng tin tuyệt đối của khách hàng. Chính vì vậy, Việt Tiến là đơn vị đi đầu của ngành dệt may trong việc ứng dụng hệ thống LEAN (nâng cao hiệu quả) từ khâu quản lí, điều hành sản xuất đến chất lượng sản phẩm.
Mỗi sản phẩm của Việt Tiến từ cái cúc áo đến dây viền hay nhãn mác đều được chú trọng thiết kế rất tinh xảo trên máy chuyên dụng và đều được đăng kí bảo vệ thương hiệu, logo tại các thị trường trong nước và quốc tế. Nhờ đó mà Việt Tiến bảo vệ được thương hiệu của mình, đồng thời giúp khách hàng có thể phân biệt với hàng giả, hàng nhái.

Tại chuỗi các cửa hàng và đại lí của Việt Tiến, khách hàng có thể thấy sản phẩm của Việt Tiến rất đa dạng, có nhiều nhãn hiệu khác nhau như: Viettien, Vee Sendy, San Siaro, Mahattan, TT-up, Smart Casual, Vietlong... Giá cả giữa các nhãn hiệu này cũng rất khác nhau tương ứng với dòng hàng cao cấp hay bình dân.

Nói đến hướng đi mới trong năm 2011 và thời gian tới, ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phẩn may Việt Tiến cho biết: “Nếu như trước đây Việt Tiến phủ kín các phân khúc thời trang nam giới thì nay sẽ đẩy mạnh thêm sản phẩm cho phụ nữ và trẻ em. Tiếp tục giữ vững thị trường trong nước và nước ngoài, năm tới Việt Tiến sẽ ra mắt thêm thương hiệu Camelia, dòng sản phẩm cao cấp, đồng thời mở rộng thêm thị trường Trung Quốc”.

VnCharm

Nguồn tham khảo :

Việt Tiến- sự khẳng định của một thương hiệu

http://vietnam.vnanet.vn/vnp/vi-vn/13/251/251/21835/default.aspx

 

Bình luận của bạn